Chương 8: Hoàn thiện kỹ năng hạ cánh (Phần 1)

(Hoàn thiện khả năng phán đoán trong hạ cánh)

“Cất cánh thì còn có thể có sự lựa chọn còn hạ cánh thì là bắt buộc.”

Anon

Trở lại mặt đất luôn luôn là một ‘quả kẹo đắng ngọt ngào’ (bittersweet – đắng cay ngọt ngào kiểu như sô cô la), bởi vì điều đó có nghĩa là kết thúc chuyến bay. Nhưng nó cũng có nghĩa là ta có thể chia sẻ những chuyến phiêu lưu trên trời với phi công bạn bè hay bất cứ ai khác muốn nghe những chuyện bay lượn trên trời đó. Tuy vậy hạ cánh không phải là không có những trở ngại. Khi cất cánh ta có thể có sự lựa chọn còn thời gian hạ cánh của ta phần lớn được quyết định bởi những thói đỏng đảnh của các vị thần gió.

Hạ cánh thường mất một thời gian để hoàn thiện vì chúng đòi hỏi rất nhiều khả năng phán đoán. Lúc ban đầu trong quá trình huấn luyện để trở thành phi công mới bạn bắt đầu với những điều hết sức cơ bản, nhưng sẽ phải tiếp tục tích luỹ kinh nghiệm cho đến khi việc chuẩn bị hạ cánh là gần như tự động. Khả năng xét đoán hạ cánh càng tốt thì bạn càng có khả năng bay an toàn ở các điểm bay khác nhau.

Nội dung của chương này bắt đầu với hồi kết của hạ cánh – tiếp cận hạ cánh cuối cùng và flare (kéo sâu xuống hết dây lái). Phần này của hạ cánh đã được sử dụng trước đó, ngay từ khi còn ở đồi huấn luyện. Sau đó, thêm phần chuẩn bị hạ cánh khi bay cao hơn, và cuối cùng, chúng ta thảo luận về các biến thể hạ cánh để có thể xử lý tất cả các loại tình huống.

Như đã nói ở trên việc hạ cánh có thể là một trở ngại, ngay cả như thế thì nó cũng có thể là phần thưởng rất đáng giá, bởi vì không có gì đẹp hơn một chuyến bay tuyệt vời được kết thúc bằng một cú hạ cánh hoàn hảo. Vì vậy, ta cần bắt đầu ngay lập tức việc huấn luyện để có được tài nghệ hạ cánh nhẹ như chim đậu.

TỪ TIẾP CẬN HẠ CÁNH CUỐI CHUYỂN SANG FLARE

(FLARE – KÉO SÂU XUỐNG HẾT DÂY LÁI)

Chuyển từ giai đoạn bay sang hạ cánh có thể được tách ra thành chuẩn bị hạ cánh và tiếp cận hạ cánh cuối. Chuẩn bị hạ cánh bao gồm bắt đầu ở gần khu vực hạ cánh và cơ động đến vị trí để vào tiếp cận hạ cánh cuối. Tiếp cận hạ cánh cuối hoặc “vào cạnh cuối”, là lượn nhanh thẳng hướng về phía trước từ độ cao 6 đến 24m xuống mặt đất với người ở tư thế thẳng đứng. Nếu có thực hiện bất kỳ động tác quay nào thì đều phải hết sức vừa phải và chỉ là để điều chỉnh theo những thay đổi về gió hay tránh chướng ngại vật mà thôi. Vào cạnh cuối bao gồm những nội dung mà chúng ta sẽ xem xét ở đây.

Mục tiêu của bạn: Tìm hiểu các phần riêng biệt của tiếp cận hạ cánh cuối và nắm vững từng phần này.

Bốn giai đoạn của hạ cánh cuối

Chúng ta chia tiếp cận hạ cánh cuối thành bốn phần để hiểu rõ và thực hiện tốt hơn. Hình 8-1 cho thấy, bốn phần đó là 1) Lướt dốc (lượn với góc lượn lớn), 2) Về thăng bằng (roundout), 3) Lượn gần mặt đất và 4) Kéo sâu hết dây lái (Flare). Mỗi phần có một mục đích và kỹ thuật cụ thể, vì vậy, ta hãy thảo luận riêng từng phần.

Hình 8-1: 4 giai đoạn của tiếp cận hạ cánh cuối

1) Lướt dốc – toàn bộ quy trình tiếp cận hạ cánh phải được thực hiện ở tốc độ cơ động đủ tốt để giải quyết các vấn đề của lái dù liên quan đến nhiễu loạn gần mặt đất. Trong hạ cánh cuối bạn không chỉ gặp phải nhiễu loạn mà còn cả wind gradient (khác biệt về tốc độ gió). Khác biệt về tốc độ gió là sự thay đổi về gió ở gần mặt đất và chúng ta sẽ thảo luận chi tiết ở dưới đây. Hiện tại, cần lưu ý rằng khác biệt về tốc độ gió có thể làm cho dù bị bốc lên hoặc thất tốc ở gần với mặt đất và những vấn đề này được giải quyết đơn giản bằng cách bay với tốc độ dư dả một chút.

Tốc độ lượn khi tiếp cận hạ cánh

Trong điều kiện gió êm thực hiện tiếp cận hạ cánh với tốc độ gần như tối đa (thả dây lái cao hết tay). Vẫn nên giữ đôi chút áp lực trên dây lái (kéo dây lái khoảng 7,5cm) để có cảm nhận về cánh dù và có thể thả ra khi cánh dù bị chậm lại. Trong điều kiện nhiễu loạn giữ dây lái sâu hơn một chút – đến khoảng ngang tai – để tạo áp suất trong cánh dù.

Trong điều kiện khuất gió (xem dưới đây), hoặc trong điều kiện ổn định có gió tốt, thì nên bay ở tốc độ cao hơn khi vào tiếp cận hạ cánh cuối. Lưu ý rằng hầu hết các phi công thiếu kinh nghiệm vào hạ cánh đều bay quá chậm chứ không phải là quá nhanh.

Toàn bộ vấn đề của phần lướt nhanh trong tiếp cận cạnh cuối là để đưa bạn xuống đất một cách nhanh chóng qua các lớp nhiễu loạn và wind gradient, cho phép lái dù tốt, để chuẩn bị cho bước tiếp theo.

2) Về thăng bằng – Đơn giản là kéo dây lái dù để dù bay chậm lại và để nó trôi trên mặt đất một chút. Giai đoạn lái dù này làm giảm tốc độ rơi và chuyển sang lướt trên mặt đất nhiều hơn để cuối cùng chỉ phải dừng chuyển động tiến về phía trước.

Kéo dây lái trong giai đoạn này cần phải trơn tru êm ái và kéo dài khoảng 1 giây. Đừng giật hoặc kéo dây lái đột ngột hoặc để cánh dù bốc lên cao và mất quá nhiều tốc độ. Ở giai đoạn này việc lái dù nên bắt đầu khi chân bạn còn cách khoảng 1,5 m so với mặt đất và kết thúc khi độ cao là 0,6-1 m. Kiểm soát dao động êm ái và chậm rãi cho kết quả như vậy. Trong hình 8-2 mô tả 2 giai đoạn lướt nhanh và về thăng bằng.


Hình 8-2: Giai đoạn về thăng bằng và Lướt gần mặt đất

3) Lướt gần mặt đất – Giai đoạn này của tiếp cận hạ cánh cuối là rất quan trọng bởi vì ở đây bạn giảm tốc độ, ổn định cánh dù, và giảm độ cao xuống đến độ cao để chuẩn bị kéo sâu hết dây lái. Tốc độ sẽ tiếp tục giảm, bạn sẽ mất một chút độ cao hơn và trong một vài giây sẽ là thời điểm để kéo sâu hết dây lái.

Tất cả mục tiêu của lướt gần mặt đất là nhằm để giảm tốc độ dần dần để cho cánh dù song song với mặt đất. Bạn đổi tốc độ để lấy đường bay gần như thăng bằng, như trong hình 8-2. Bằng cách đó bạn có thời gian để cảm nhận tốc độ, vị trí và đường bay.

4) Flare (kéo sâu hết dây lái) – Động tác flare là vấn đề thời điểm và sự nhanh chậm khi kéo dây lái dù. Ta đã thảo luận quy trình và kỹ thuật flare trong Chương 5 và phần này chỉ là soát lại. Chúng tôi nhắc lại là bạn bắt đầu bằng một chân, thả chân ra, sẵn sàng để thực hiện tiếp đất kiểu nhảy dù và kéo sâu toàn bộ dây lái để dừng cánh dù khi chân còn khoảng 0,6 m so với mặt đất (xem Hình 8-3). Lưu ý rằng trong trường hợp gió mạnh hơn thì không nên kéo sâu hết dây lái và chúng tôi sẽ giải thích điều đó ở dưới đây trong chương này.

Tóm tắt của bốn giai đoạn tiếp cận hạ cánh cuối và các yếu tố của một cú hạ cánh tốt được nêu ở phần tiếp theo sau đây.

Tóm tắt kỹ thuật hạ cánh

Thứ tự các giai đoạn:
· Bắt đầu bằng lái dù lượn nhanh, thẳng qua gradient (giai đoạn lướt nhanh)
· Giảm tốc độ đến mức độ đủ để bắt đầu lướt gần như song song với mặt đất (giai đoạn về thăng bằng)
· Tiếp tục lướt gần mặt đất trong khi chậm lại ở ngay trên mức thất tốc (lượn sát mặt đất)
· Rồi đến khi cánh dù bắt đầu mất năng lượng nhanh chóng, nhẹ nhàng kéo dây lái xuống (giai đoạn flare)

Lời khuyên hạ cánh:
· Thực hiện tiếp cận hạ cánh cuối thật dài
· Giữ hướng bay và dù thăng bằng
· Mắt nhìn thẳng và thăng bằng
· Giữ dây lái ở khoảng giữa cằm và đỉnh đầu
· Cần ‘nhậy cảm’ trong việc tác động lên dây lái
· Giữ người ở tư thế thẳng đứng
· Thả chân thẳng xuống và sẵn sàng chạy gối hơi chùng
· Kéo flare nhẹ nhàng
· Chạm đất nhẹ ‘như chim đậu’

Lời khuyên an toàn: Hãy nhớ rằng, đôi chân của bạn chính là bộ càng hạ cánh. Thả càng xuống (người ở tư thế đứng thẳng) sớm trước khi bạn ở gần mặt đất.

Một số phi công sử dụng phương pháp khác, thực chất là tiếp cận hạ cánh 2 giai đoạn. Họ thực hiện tiếp cận hạ cánh và kéo sâu hết dây lái (flare) khi ở khoảng 1m so với mặt đất. Kỹ thuật này có lẽ là đơn giản hơn so với phương pháp 4 giai đoạn như mô tả ở trên, nhưng kết quả thường là tốc độ tiến lớn hơn hoặc tiếp đất mạnh hơn. Phương pháp 2 giai đoạn đòi hỏi phải xác định tốt hơn thời điểm khi nào thì bắt đầu kéo flare và thực hiện động tác này nhanh đến mức nào. Phương pháp 4 giai đoạn yêu cầu cả về thời điểm và mức độ tinh tế, nhưng dường như trong đa số các trường hợp thì điều này là dễ dàng hơn một khi bạn có cảm nhận tốt về mức lái dù bao nhiêu là đủ để thực hiện khi ‘cải bằng’ (roundout). Hãy nghe lời khuyên của người huấn luyện về phương pháp nào nên dùng trong các điều kiện điển hình và nắm rõ cả hai phương pháp trên.

Hình 8-3: Kéo Flare và tiếp đất

Giải đáp các vấn đề trong hạ cánh
Ở đây ta sẽ xem xét một số vấn đề phổ biến gặp phải trong khi hạ cánh và đưa ra một số giải pháp đã được thử nghiệm và đúng đắn. Lưu ý rằng ta thường xem xét trong các điều kiện không có gió và gió đều và nhẹ. Chúng ta giải quyết vấn đề về gió, wind gradient và nhiễu loạn ở phần tiếp theo trong chương này.

Vào hạ cánh quá cao – Trong những chuyến bay cao đầu tiên, bạn có thể phán đoán sai khi nào thì vào tiếp cận cạnh cuối. Nếu bạn ở quá cao và điểm hạ cánh là hẹp, hãy thả dây lái cao đến vị trí tốc độ dù tối đa (vị trí tay cao nhất) để cánh dù nhào xuống. Không sử dụng hệ thống tăng tốc (speedbar) khi ở gần mặt đất vì cánh dù bị giảm tính ổn định (chúng ta sẽ thảo luận vấn đề sử dụng hệ thống tăng tốc trong chương tiếp theo). Phải bắt đầu giảm tốc độ chậm lại khi độ cao của bạn còn khoảng 3 m cách mặt đất trong trường hợp này. Bạn cần để một khoảng trống lớn để phòng trường hợp bay vọt qua và phải tính toán để hạ cánh trong khoảng nửa trước của bãi cho đến khi đã hoàn thiện kỹ năng hạ cánh ngày một chính xác hơn.

Nếu cánh đồng là rộng và bạn còn quá cao, thì có thể lượn hình chữ S để giảm bớt độ cao. Quay vòng nhiều thì làm tăng tốc độ rơi và khả năng tiến về khu vực hạ cánh bị giảm bớt. Không quay chậm và bay gần cây cối, nhà cửa, cột hoặc đường điện. Hãy để biên thật rộng để phòng khi mắc lỗi. Dừng lái và quay khi còn khoảng 6 m so với mặt đất để đảm bảo thực hiện đường lượn cuối thẳng và an toàn. Tìm cách thực hiện tốt hơn việc chuẩn bị hạ cánh ở các lần sau.

Chao lắc khi vào cạnh cuối – Đôi khi bạn lái dù bị quá tay. Kéo dây lái quá đột ngột có thể làm chậm cánh dù và dẫn đến cánh dù bị văng lên phía trước rồi lăng về sau. Tốt nhất trong trường hợp này là hãy để tay thư giãn thoải mái ở vị trí tiếp cận hạ cánh và để chao lắc tự giảm đi dần. Nếu cố tìm cách can thiệp mà thời điểm rất có thể là bị sai thì bạn có thể làm cho tình hình một tồi tệ hơn. Những trường hợp như thế là hết sức nguy hiểm khi ở gần mặt đất.

Để ngăn dù bị chao lắc ngay từ đầu, cần tránh thực hiện động tác lái dù một cách đột ngột. Cần thực hiện từng động tác lái dù sao cho trơn tru và từ từ để cánh dù điều chỉnh tốc độ của nó phù hợp với góc tấn mà bạn đã thực hiện. Hãy nhẹ nhàng và thực hiện động tác thật tinh tế chứ đừng quá ‘húng’.

Thực hiện động tác Flare khi ở quá cao hoặc quá sớm – Nếu thực hiện động tác kéo Flare quá sớm thì kết cục có thể là bạn sẽ bị treo khá cao trên mặt đất. Trong trường hợp này tốt nhất là cứ giữ giây lái ở vị trí sâu để giảm tốc độ rơi và chuẩn bị tiếp đất mạnh (xem hình 8-4). Thực hiện tiếp đất kiểu nhảy dù (PLF) như mô tả trong Chương 5. Bằng mọi cách, không được thả hay để cao tay lên vì cánh dù có thể nhao lên rồi bổ nhào xuống đất. Nếu bạn kịp sửa lỗi sớm ngay khi vừa thực hiện động tác Flare – bạn có thể để dây lái về vị trí ¾ rồi sau đó kéo mạnh xuống khi độ cao là khoảng 1 m so với mặt đất. Nhưng phải luôn nhớ là cánh dù sẽ nhao sát đất.


Hình 8-4: Flare sớm hoặc muộn

Flare muộn hoặc yếu – Thực hiện Flare muộn hay yếu sẽ dẫn đến tiếp đất mạnh hơn mức cần thiết. Hãy chuẩn bị sẵn sàng thực hiện tiếp đất kiểu nhảy dù nếu tình huống đòi hỏi. Nếu đã vào cạnh cuối, thì việc Flaremuộn chỉ dẫn đến kết quả là phải chạy thêm khi tiếp đất chứ không cần phải phải thực hiện tiếp đất kiểu nhảy dù.

Flare yếu có thể là do kéo dây lái không đủ sâu. Bạn có thể khắc phục vấn đề này bằng cách quấn thêm một hoặc hai vòng dây lái vào tay trước khi Flare. Quá trình này được mô tả trong Chương 4. Bạn thực hiện động tác này khi còn cách khoảng 4,5 m so với mặt đất. Không nên để chờ đến khi quá muộn hay làm quá sớm do động tác lái dù của bạn có thể không hoàn toàn chuẩn xác sau khi đã quấn thêm dây lái vào tay.

Ngược lại với thực hiện động tác Flare yếu là thực hiện động tác này quá nhanh rồi thả tuột lên. Trong trường hợp này, cánh dù có thể thất tốc và ném bạn, rất có thể là bằng lưng, xuống đất hết sức mạnh. Cố gắng tránh để xảy ra tình huống như vậy bằng cách thực hiện động tác Flare đều đều và trơn tru.

Mọi vấn đề xảy ra trong khi thực hiện hạ cánh – quá nhanh rồi thả tuột tay, Flare quá sớm hoặc quá muộn – cần được chú ý bằng cách tập mô phỏng xác định thời điểm thực hiện động tác (ngồi treo trên đai ngồi như khi đang bay) rồi tưởng tượng ra [tình huống đang thực hiện động tác hạ cánh]. Tập trung vào việc xác định đúng thời điểm và mức độ kéo dây lái. Thời điểm ở đây bao gồm cả việc bạn thực hiện động tác kéo dây lái nhanh như thế nào. Ví dụ, nếu bạn đang thực hiện động tác Flare từ vị trí ngang vai, thì thời gian để thực hiện động tác này là trong khoảng 1 giây.

Điều thứ hai cần làm là bạn phải để ý đến tầm nhìn. Điều đó có nghĩa là phải tập trung chú ý quan sát phía trước mình ít nhất là 15 m khi ở gần mặt đất và đưa mắt nhìn dần xuống khoảng 3 m phía trước khi xuống đến độ cao để thực hiện động tác Flare (xem hình 8-5). Quá trình này là hết sức bình thường nếu bạn nhìn về phía trước ở điểm hạ cánh dự kiến. Không nên nhìn thẳng xuống đất cho đến khi thực hiện động tác Flare, vì tác động của việc mặt đất tiến lại ngày càng gần sẽ làm bạn bị lẫn lộn (mất cảm giác).


Hình 8-5: Hướng quan sát của mắt trong khi hạ cánh

Lời khuyên của dân chuyên nghiệp: Hãy giữ tầm mắt nhìn về phía trước hơi quá một chút điểm định hạ cánh, do đó bạn sẽ nhìn ở khoảng 3 m quá điểm này khi đến thời điểm thực hiện động tác Flare.

Một cú hạ cánh hoàn hảo là nhẹ nhàng không phải chạy bước nào (trong tất cả mọi trường hợp trừ khi lặng gió) với cánh dù đổ về phía sau hoặc kiting dù trên đỉnh đầu. Hãy làm cho việc hạ cánh trở thành một phần trong niềm vui của chuyến bay bằng việc thực hiện nó một cách lịch lãm và có phong cách. Không chấp nhận việc hạ cánh không hoàn hảo.

Kiểm tra kỹ năng: Khi mà có thể tự động thực hiện hạ cánh nhẹ nhàng không phải chạy bước nào một cách đều đặn, thì khi đó bạn đã thành thục động tác cuối cùng của hạ cánh. Để có thể nói là bạn đã thành thục kỹ năng hạ cánh hay chưa, hãy ghi chép lại mỗi lần hạ cánh và cho điểm theo thang từ 1-10. Nếu 9 trong số 10 lần hạ cánh mà đạt điểm 7 hoặc cao hơn thì điều đó có nghĩa là bạn đã đạt được kỹ năng hạ cánh chuẩn xác.

Sự khác biệt về tốc độ gió (Wind Gradient)

Thay đổi của một số yếu tố so với khoảng cách được gọi là gradient (sự khác biệt). Thay đổi của tốc độ gió khi ta ở gần mặt đất gọi là wind gradient. Sức cản và ma sát bề mặt bao gồm cỏ, bụi cây nhỏ, cây, nhà cửa, núi non, v.v. có xu hướng làm giảm tốc độ gió nếu bạn càng xuống thấp. Wind gradient xuất hiện ở một số tầng nào đó bất cứ khi nào có gió thổi. Vấn đề liên quan đến hạ cánh được thể hiện trong hình 8-6. Ở đây ta thấy người phi công giảm dần độ cao xuyên qua gradient. Ban đầu, người phi công có thể có dư tốc độ. Tuy nhiên, khi xuống thấp hơn người phi công sẽ thấy gió thổi ngược lại bị giảm nhanh chóng, vì vậy cánh dù có thể nhao về phía trước và người phi công rơi tụt xuống, có thể tiếp theo đó là lắc trước-sau khi người phi công lăng về phía trước rồi làm thất tốc cánh dù.

Một điều cần làm rõ là tốc độ hành trình (ground speed) không có gì liên quan đến vấn đề này và mặt đất chỉ là tác nhân gây ra wind gradient (tất nhiên là phi công sẽ bị đau nếu va đập xuống đất). Vấn đề ở đây là do quán tính của cánh dù. Một cánh dù sẽ có tốc độ bay (airspeed) tương ứng với góc tấn mà người phi công đặt. Tuy nhiên, cánh dù cần có thời gian để điều chỉnh theo những thay đổi về luồng khí do nó có quán tính. Hãy tưởng tượng là mình đang bay ngược chiều gió thổi rất mạnh rồi đột nhiên dừng, bạn có thể thấy cánh dù sẽ không còn tẹo nào tốc độ rồi sau đó phải nhao về phía trước. Bạn có thể tự mình thử điều này bằng cách ngả người về phía trước ngược hướng gió vào lúc có gió thật mạnh. Khi mà gió giảm đi đôi chút, cơ thể bạn sẽ rơi về phía trước.


Hình 8-6: Các tác động có thể gặp phải khi hạ cánh trong trường hợp có Wind Gradient

Trong trường hợp có wind gradient, gió ngược liên tục giảm làm giảm tốc độ bay trước khi cánh dù có thể phản ứng. Wind gradient càng nghiêm trọng thì tốc bị mất càng nhiều và cánh dù có thể phải nhao về phía trước vì một lẽ tự nhiên là nó cố lấy lại tốc độ. Ta có thể gặp wind gradient nghiêm trọng ở mép của vật cản và chúng được gọi là vùng khuất gió (wind shadow) như minh họa trong hình 8-7. Nhiều khả năng bạn có thể gặp phải wind gradient như vậy khi hạ cánh phía sau một rặng cây hoặc tòa nhà.


Hình 8-7: Tác động của vùng khuất gió

Vấn đề của việc nhao về phía trước hay thất tốc khi gặp phải wind gradient là ở chỗ chúng thường xảy ra ở gần mặt đất khi mà độ cao còn quá ít để phục hồi. Bởi vì gió ngược tiếp tục giảm khi càng xuống thấp, cho nên để phục hồi thất tốc thì cần phải có thêm nhiều độ cao hơn bình thường. Nếu bị nhao hoặc thất tốc khi gặp phải wind gradient, bạn phải theo dõi cánh dù để có tác động thích hợp lên dây lái nhằm giảm bớt văng hoặc làm cho cánh dù bớt bị rơi về sau. Nói chung nếu xảy ra thất tốc gần mặt đất, bạn sẽ không thể phục hồi lại chế độ bay bình thường. Tác động lên dây lái cũng có thể làm cho tình hình tồi tệ hơn. Trong mọi trường hợp, chuẩn bị sẵn sàng để thực hiện tiếp đất kiểu nhảy dù rồi nhanh chóng kéo dây lái thật sâu (Flare) ngay trước khi chạm đất. Thông thường, động tác này là đủ để ngăn ngừa những tổn hại quá mức cũng như ảnh hưởng đến sự tự tin của bản thân.

Một điều quan trọng hiển nhiên là phải tránh để bị nhao về phía trước và thất tốc khi gặp phải wind gradient. Cách ở đây là cần có thêm tốc trước khi bạn gặp phải wind gradient. Hãy nhớ rằng, wind gradient có thể tệ hơn vào những ngày thời tiết ổn định, bởi vì có rất ít không khí pha trộn theo chiều thẳng đứng làm đều hơn tốc độ gió. Ngoài ra, trong vùng khuất gió nghiêm trọng hay gradient bạn có thể gặp phải nhiễu loạn.

Tránh các vấn đề của wind gradient

  • Tích lũy đủ tốc độ khi vào tiếp cận hạ cánh.
  • Không hạ cánh gần sau các chỗ cản gió.
  • Cần có thêm tốc độ khi gặp gió mạnh, những ngày thời tiết ổn định và bất cứ khi nào bạn nghi ngờ có vùng khuất gió (Lưu ý, không sử dụng hệ thống tăng tốc ở dưới 100m vì việc sử dụng hệ thống tăng tốc này làm giảm khả năng phồng cánh dù).

CHUẨN BỊ HẠ CÁNH

Tất cả những thảo luận ở trên là tập trung vào khâu tiếp cận hạ cánh và flare. Nhưng làm thế nào để ta bay đến được điểm vào tiếp cận hạ cánh lúc ban đầu? Đó chính là việc của ta phải làm là chuẩn bị hạ cánh. Chuẩn bị hạ cánh là một phần của chuyến bay được thực hiện gần khu vực  hạ cánh là nơi ta giảm độ cao và vào vị trí chuẩn xác để thực hiện hạ cánh. Vì không có động cơ nên ta rất cần phải làm sao cho đúng ngay từ lần đầu tiên.

Trước khi tiến hành, đây là một số quy tắc ở mặt đất:

  • Khi bạn lần đầu bay cao, điều quan trọng là phải tiếp cận khu vực hạ cánh khi còn ít nhất là 100 m độ cao. Độ cao này cho phép bạn có nhiều thời gian để quan sát điều kiện trong khu vực, tập trung suy nghĩ, vạch kế hoạch chuẩn bị hạ cánh và quan sát các cánh dù khác.
  • Một quy tắc nữa là bắt đầu tập trung chú ý vào khu vực hạ cánh một khi độ cao của bạn chỉ còn là 9,0 m hoặc thấp hơn. Không được để bay dạt ra nhiều quá mà chỉ là lướt nhẹ nhàng đến khu vực hạ cánh. Cần đặc biệt chú ý điều này khi có gió.
  • Quy tắc cuối cùng là không thực hiện các động tác quay [để đổi hướng cánh dù], ngay cả khi đã vào tuyến hạ cánh (xem Chương 9), và quan sát để nhường đường như quy định trong các quy tắc tránh nhau trên không (xem Chương 10).

Dưới đây là hai phương pháp chuẩn bị hạ cánh phổ biến nhất được sử dụng trong dù lượn.

Mục tiêu của bạn: Học cách phán đoán và kỹ năng lái dù để hạ cánh gần điểm đã chọn sẵn sử dụng cả kỹ năng cơ động hình số 8 và tiếp cận hạ cánh kiểu máy bay.

Bình luận

comments