Hệ thống tăng tốc

Hệ thống tăng tốc

Bùi Thái Giang dịch

Bruce Goldsmith giải thích cách làm thế nào để sử dụng hiệu quả nhất hệ thống tăng tốc.

Ngày trước mà nói đến việc có thể bay nhanh với một cánh dù thường được coi là trò đùa. Bởi vì khi đó tốc độ của dù là chậm và chỉ đỡ chậm chút ít khi bạn đẩy thanh tăng tốc. Nhưng thời thế đã đổi thay, giờ đây khi ta đẩy thanh tăng tốc nghĩa là nghe thấy tiếng gió rú rít qua bên tai, nước mắt chảy và thậm chí có thể bay ngược gió! Hệ thống tăng tốc đã trở thành một bộ phận hữu ích, ổn định và an toàn của cánh dù của chúng ta.

Khi nào sử dụng hệ thống tăng tốc
Bay nhanh hơn có nghĩa là ta có thể bay xa hơn, đó là mục đích của hầu hết các phi công bay đường dài (cross country). Nhưng điều đó không có nghĩa là lúc nào ta cũng bay ở tốc độ tăng tốc tối đa. Để có thể hiểu chính xác khi nào thì nên sử dụng hệ thống tăng tốc ta nên tìm hiểu lý thuyết McCready về ‘tốc độ bay’. Khởi thủy lý thuyết này được áp dụng cho diều lượn trong bay đường dài, lý thuyết McCready về ‘tốc độ bay’ cho rằng tại bất cứ thời điểm nào ta đều có một tốc độ tối ưu để bay nhằm khai thác hiệu quả nhất tính năng của cánh bay – và do đó đi xa hơn.

Tốc độ lý tưởng phụ thuộc vào ba vấn đề: những đường cong cực của cánh dù, tốc độ leo thermal trung bình và thành phần gió ngược (tốc độ gió). Các con số chính xác có thể tính được nếu ta có tất cả các dữ liệu chính xác hoặc sử dụng vòng tốc độ McCready (được lắp trên vario của diều lượn và tàu lượn, xem speed to fly), một thiết bị được thiết kế để thực hiện nhanh việc tính toán trong khi đang bay. Để đơn giản hơn một chút việc áp dụng lý thuyết này cho dù lượn, ta có thể tóm tắt lại như sau:

•Gió ngược càng mạnh càng cần bay nhanh hơn
•Gió xuôi càng mạnh càng cần bay chậm hơn
•Thermal càng mạnh càng cần bay nhanh hơn
•Tỷ lệ dài rộng của cánh dù càng cao, càng cần bay nhanh hơn

Thử áp dụng hệ thống McCready vào thực tế, ví dụ khi tôi bay cánh dù cấp thi đấu trong điều kiện gió = 0, thermal = 2 m/s, thì tôi phải bay giữa các thermal ở tốc độ trên 50 km/h. Trong trường hợp có gió ngược 10 km/h, tôi cần đạp thanh tăng tốc và bay ở tốc độ tối đa để khai thác hết tính năng của cánh dù, bất kỳ gió ngược nào tốc độ lớn hơn mức này đều làm cho tính năng của cánh dù của tôi bị ‘xẻo bớt’ đi một cách tệ hại.

Tôi nhận thấy tốc độ McCready luôn là rất cao, và vì vậy hiếm khi tôi bay nhanh như ông ta nói. Phần nào đó là do McCready giả định rằng ta sẽ tìm thấy đủ nhiều thermal để tiếp tục bay, trong khi trên thực tế, chúng ta thường bị thiếu thermal và nếu không có lực nâng thì ta cần bay chậm lại đủ để ở lại trong không trung.

Đưa “tốc độ bay” vào sử dụng hàng ngày
Lời khuyên của tôi với các phi công bay đường dài ở trình độ trung cấp là cần ở lại trong không trung và giữ độ cao bằng cách không tăng tốc để tìm thermal kế tiếp, trừ khi ta bay ngược gió. (Gió ngược buộc ta phải tăng tốc cánh dù để có thể đạt được tính năng cần thiết). Phương pháp này giúp ta gặt hái được nhiều nhất mỗi ngày – sẽ không được gì mấy khi bay xuống nhanh và hạ cánh sớm. Ta cần học bay đường dài cho tốt trước, chỉ khi ta chắc chắn là sẽ không tiếp đất quá sớm trước khi kết thúc ngày bay thì khi đó việc tìm cách bay nhanh hơn mới là cần thiết.

Nếu ta đang thi đấu thì đó lại là một câu chuyện khác. Mỗi một chuyến bay thi đấu là một cuộc đua do đó ta cần phải bay nhanh – nhưng bay với tốc độ quá nhiều khi ta đang học bay thi đấu và ta sẽ nhanh chóng kết thúc trên mặt đất! Chỉ bay thực sự nhanh khi tin rằng có chỗ có lực nâng tốt ở phía trước và rằng ta sẽ không bị tụt xuống.

Đạp thanh tăng tốc như thế nào
Hệ thống tăng tốc của tôi có hai mức: một nửa là bước đầu tiên trên thanh tăng tốc ở vị trí đẩy xa nhất, và hết mức, đó là bước thứ hai trên thanh tăng tốc khi đẩy xa nhất. Trong các cuộc thi, và khi bay trong điều kiện tốt ở dãy núi Alps, tôi sử dụng mức một nửa thanh tăng tốc trong tất cả các đường lượn và giữa các thermal. Đạp hết mức chỉ dành cho đường lượn cuối cùng về đích, và chỉ khi tôi biết rằng tôi sẽ còn độ cao khi cán đích.

Khi tôi bay đường dài ở những nước như Anh là nơi có rất nhiều gió và tốc độ leo thấp thì tôi hiếm khi sử dụng thanh tăng tốc cả. Thông thường, tôi sẽ bay xuôi gió trong điều kiện (lực nâng) yếu với trần mây thấp và không thể hoàn toàn chắc là tôi có thể ở lại lên trời được, do đó sử dụng tốc độ là không hợp lý.

Ổn định tốc độ
Hệ thống tăng tốc nói chung tăng tốc cánh dù bằng cách kéo mép trước xuống và giảm góc tấn. Có thể xảy ra xẹp cánh dù khi góc tấn là âm, do đó, khi ta giảm góc tấn thì sẽ có nhiều khả năng bị xẹp cánh dù trong khi tăng tốc. Tệ hơn nữa, không chỉ là nhiều khả năng bị xẹp cánh dù mà phản ứng của cánh dù khi bị xẹp hầu như chắc chắn là bạo liệt hơn.

Để hiểu nguyên do, hãy xem trong quá trình xẹp thì cánh dù dừng bay trong không khí, nhưng ta, người phi công, vẫn tiếp tục tiến do có đà. Điều này có nghĩa rằng kết cục là ta bị văng về trước, hoặc sang 2 bên cánh dù bị xẹp. Ta bay càng nhanh, thì động năng ta có càng cao và càng nhiều, và càng bị văng về phía trước cánh dù. Động năng ta có liên quan đến bình phương tốc độ bay. Tính nhanh cho thấy rằng nếu ta tăng tốc độ chỉ khoảng 40%, năng lượng tăng thêm sẽ là 100% (1,41 x 1,41 = 2,0). Ngay cả tăng có một chút ít tốc độ thôi cũng có nghĩa là tăng nhiều về năng lượng và trong quá trình xẹp cánh dù năng lượng đó sẽ phải chuyển đi đâu đó. Thông thường nó sẽ là một cú vọt lớn, có thể xoay, và chắc chắn sẽ là mất một ít độ cao. Nếu ta là thấp thì việc này có thể là một vấn đề lớn.

Các cơ chế tăng tốc cánh dù
Ta sẽ không bao giờ chỉ đẩy thanh tăng tốc không thôi vì nó sẽ tạo dao động trước sau mà có thể dẫn đến xẹp cánh dù và lượn không hiệu quả. Thay vào đó, đẩy thanh tăng tốc khoảng một phần ba, khi đó cánh dù sẽ nhao xuống và vọt về phía trước. Sau đó, cũng ngay khi ta lắc trở lại dưới cánh dù giờ đây có tốc độ nhanh hơn, liền tăng tốc lên vị trí một nửa thanh để triệt giảm thêm lắc hơn nữa. Bằng cách này cánh dù trở về ngay vị trí trên đầu và tất cả các dao động lắc trước sau ngay lập tức bị triệt tiêu. Một số phi công cũng sử dụng kỹ thuật này cả khi lượn, sử dụng hệ thống tăng tốc để triệt giảm mọi dao động lắc trước sau của cánh dù để lượn trơn tru hơn và hiệu quả hơn. Nói một cách khác, họ bay chủ động cánh dù bằng hệ thống tăng tốc, và sử dụng nó để giữ cánh dù ổn định trên đầu giống hệt như khi bình thường họ sử dụng dây lái trong khi bay không tăng tốc.

Hướng dẫn cơ bản
Khi bay đường dài, điều quan trọng là bay tới đích chứ không phải là đến đó cho thật nhanh. Nếu ta nghĩ rằng có nguy cơ phải hạ cánh sớm thì chớ nên sử dụng tốc độ. Ngoại lệ là khi bay ngược gió, bởi vì ta sẽ cần rất nhiều tốc độ để có thể tiến được như mong muốn. Trong các cuộc thi, ta nên học cách để đến đích mỗi ngày trước khi học bay nhanh.

Một khi ta đã sẵn sàng để học bay nhanh, phải đảm bảo là hệ thống tăng tốc đã được lắp đặt và điều chỉnh tốt, dễ sử dụng và không đòi hỏi ta phải bỏ tay ra khỏi dây lái để có thể sử dụng được nó.

Thực hành bay với tốc độ trong nhiễu loạn khi đang bay cao để có thể tìm hiểu các phản ứng của cánh dù và mức độ nhiễu loạn mà cánh dù có thể chịu được mà không bị xẹp. Ngay khi bị xẹp cánh dù ta mất tất cả những lợi thế đạt được từ việc bay nhanh hơn lúc đầu.

Cuối cùng, hãy nhớ rằng có khả năng cực kỳ dễ bị xẹp cánh dù khi tăng tốc và thật sự là xuẩn ngốc nếu đạp thanh tăng tốc khi quá gần mặt đất.

Các chuyên gia nói gì
TORSTEN SIEGEL – NHÀ THIẾT KẾ DÙ LƯỢN CỦA UP VÀ PHI CÔNG HÀNG ĐẦU CỦA ĐỨC: “Các phi công nên tập với thanh tăng tốc càng nhiều càng tốt, 80% phi công thậm chí không biết cách lắp đặt sao cho đúng cho nên họ không thể sử dụng hệ thống tăng tốc hết khoảng. Hoặc, họ phải bỏ tay khỏi dây lái để có thể lôi ra và sử dụng hệ thống tăng tốc, điều này là hết sức tệ hại khi ta đang gặp phải nhiễu loạn (turbulence). Thêm vào đó hầu hết các phi công không sử dụng tốc độ khi cần phải dùng, và ngại sử dụng nó trong điều kiện nhiễu loạn. Mọi người cần thực hành sử dụng tốc độ và tin vào cánh dù của mình hơn nữa.”

HELMUT EICHOLZER – THÀNH VIÊN ĐỘI TUYỂN ÁO: “Tôi luôn luôn sử dụng nó, nhưng sử dụng một cách cẩn trọng…, ta cần quen với việc để bay có tốc độ, càng thực hành nhiều, ta càng có cảm nhận tốt hơn về việc có thể đẩy nó (thanh tăng tốc) xa đến mức nào. Một khi đã học thì ta càng trở nên tự tin hơn.”

Nguồn: tạp chí Cross Country số 107

Bình luận

comments