Mây hút (Cloud suck)

CLOUD SUCK – BỊ MÂY HÚT

Honza Rejmanek giải thích bị mây hút là gì và làm thế nào để tránh bị mây hút.

cloudsuck.jpg
Mây cumulus hút thường cao ít nhất là bằng chiều rộng

Thêm một vài vòng lượn nữa, bạn nghĩ vậy. Cuối cùng thì lực nâng thật sự ‘khủng’ sau những gì nỗ lực ‘cà vách’ ở mãi tít dưới thấp và tất cả những gì mà bạn cần là độ cao để có thể vượt qua đoạn đường kế tiếp. Bạn vẫn còn cả vài trăm mét nữa mới đến đáy mây. Và các đám mây là lớn nhưng chẳng có dấu hiệu nào là dông bão cả và nếu có chạm mây thì bạn sẽ chỉ đơn giản là dùng GPS để bay thẳng một mạch.

Lượn thêm 2 vòng nữa và nhận ra là đáy mây đang tiến đến cực kỳ gần. Bạn liền chuyển sang lướt [để thoát ly khỏi đáy mây] nhưng mà thấy dù vẫn cứ bốc lên rất nhanh. Kéo ‘tai voi’ và đạp speedbar nhưng vẫn bị bốc lên. Bắt đầu thấy một vài ‘sợi’ mây đầu tiên bay ngang qua, mặt đất dần biến mất rồi sau đó tất cả đều là một màu trắng ở mọi hướng.

Rồi GPS và trọng lực bắt đầu đùa giỡn với bạn. Bạn cảm thấy mình bay nghiêng và dạt ngang trong khi đang cố giữ hướng bay đã chọn thật tốt. Nhưng việc đó mỗi lúc càng trở nên khó khăn hơn và bạn thấy là hướng bay thay đổi liên tục. Vario ‘kêu la’ bíp bíp liên hồi và không khí nhiễu loạn, bạn thả ‘tai voi’ ra vì muốn kiểm soát cánh dù đang bị chao đảo nhưng do chẳng thấy đường chân trời [để làm chuẩn] nên nỗ lực nhằm giữ cánh dù bay thẳng hướng trở nên cực kỳ thiếu hiệu quả trong sự tuyệt vọng.

Bạn sờ lên dây điều khiển nhóm B và kéo chúng xuống. Cuối cùng thì vario cũng báo là dù đang ‘tụt’ xuống để giúp bạn tiếp tục níu kéo cuộc sống quý giá. Hai phút lái dù trong tình trạng như vậy làm đôi tay của bạn mỏi nhừ nhưng bạn vẫn trụ vững. Mặt đất bình yên thân thuộc xuất hiện trở lại. Tiếp tục giữ dây điều khiển nhóm B thêm một phút nữa, thả ra sau đó rồi bay thẳng và nhanh cho đến khi vào vùng ‘tụt’. Vẫn còn cảm thấy ‘choáng’ [& ca mơ zun] bởi sự kết hợp mạnh mẽ của cả adrenaline và sự khiếp hãi, bạn bỗng nhận ra là có các mẩu băng trên găng tay, dây điều khiển và dây dù. Bạn đã sống sót và chắc chắn sẽ có một câu chuyện tuyệt vời cho đêm lửa trại nhưng nó rất có thể có một kết cục hoàn toàn khác. Bạn cảm thấy may mắn nhưng thật ngu ngốc.

Làm thế nào ta có thể dự đoán tình huống trên? Liệu có phải bất cứ mây tích (cumulus) nào cũng gây ra hiện tượng ‘mây bú’, tăng tốc theo phương thẳng đứng của thermal ở ngay dưới đáy mây? Để trả lời những câu hỏi này ta cần phải xem xét một vài khái niệm liên quan đến sức nổi trong khí quyển.(*)

(*) các thuật ngữ ở trong bài này khi dịch có thể không chính xác, ae cần xem thêm các tài liệu về nhiệt học hay khí tượng khác, ví dụ:

http://en.wikipedia….wiki/Lapse_rate

SỨC NỔI DƯƠNG
Điều này muốn nói đến một tình huống mà thermal hay một đám mây ở độ cao nào đó là loãng (nhẹ) hơn không khí xung quanh ở cùng độ cao. Kết quả là nó có xu hướng bốc lên cao hơn. Sự khác biệt về mật độ ở đây là do không khí ấm hơn hoặc ẩm hơn xung quanh. Để cho sự việc đơn giản, ta chỉ tập trung vào nhiệt độ. Ấm hơn xung quanh – sức nổi dương. Mát hơn so với xung quanh: sức nổi âm.

TỎA NHIỆT ẨN
Như ta đã biết khi học khí tượng cơ bản, không khí ấm lên khi tiếp xúc với mặt đất bị đốt nóng. Nếu chú ý khi đó thì ta cũng biết là có một cách khác làm ấm không khí là hơi nước ngưng tụ lúc thermal đạt đến đáy mây. Nói một cách đơn giản khi mây hình thành chúng tỏa nhiệt.

Nước cần một lượng lớn năng lượng lớn để bốc hơi và năng lượng này được giải phóng ra khi ngưng tụ. Một thermal đang bốc lên mát dần đi (giảm nhiệt độ) ở mức 10°C cho 1.000 m cao độ tăng thêm – tỷ lệ (tốc độ) đoạn nhiệt khô. Sức nổi thêm lên do ngưng tụ, cũng được gọi là tỏa nhiệt ẩn, là đủ để bù đắp đáng kể tỷ lệ làm mát này. Một đám mây đang bốc lên, không khí có thể mát dần với chỉ 6°C trên 1.000 m chiều cao đạt được – tỷ lệ đoạn nhiệt ẩm.

Như đã nêu, có vẻ là hết sức đơn giản để kết luận rằng khi mỗi một thermal khi đủ cao để tạo thành mây cumulus thì sẽ xảy ra hiện tượng bốc lên ở đáy mây và do đó gây ra cái mà ta gọi là mây hút. Tuy nhiên sự việc không phải chỉ đơn giản như vậy: không phải mọi đám mây cumulus đều gây ra hiện tượng mây hút.

MÂY AN TOÀN
Hai khái niệm khác cần được xem xét. Trước tiên là cấu trúc nhiệt độ theo chiều thẳng đứng của khí quyển ở một thời điểm và vị trí nào đó – tỷ lệ đoạn nhiệt môi trường.

Thứ hai là động lượng. Thermal hay một đám mây đang bốc lên cao có xu hướng tiếp tục lên mãi, thậm chí qua cả điểm mà tại đó có nhiệt độ bằng nhiệt độ xung quanh.

Điều này là đúng khi đạt đến độ cao mà tỷ lệ đoạn nhiệt môi trường là ổn định. Thường đó là tầng nghịch chuyển chặn trên (capping inversion) rất ổn định làm cho hầu hết các thermal và các đám mây cumulus đi kèm dần bị giữ lại. Chúng có sức nổi âm khi bốc lên đến tầng này và, mặc dù có tỏa nhiệt ẩn, cũng không thể tiếp tục bốc cao lên.

Mây Cumulus trong tình huống như vậy được gọi là mây tụt (forced cloud-có sức nổi âm). Chúng có xu thế là có chiều rộng lớn hơn so với chiều cao. Thermal khi gần đến đáy mây đã bị triệt giảm dần tốc độ và sẽ tiếp tục chậm lại khi chuyển thành mây, mặc dù ở tốc độ chậm hơn.

Trong những tình huống như vậy hiện tượng bị mây hút không phải là một mối đe dọa. Tuy nhiên, không nên coi đó là sự mời chào hào phóng là xin cứ việc bay vào buồng trắng (bay vào mây). Mặc dù chậm dần lại khi thermal gần đến đáy mây nó vẫn có thể có một tốc độ nâng đáng kể, do đó, sẽ là khôn ngoan hơn nếu bạn di chuyển dần về phía rìa đám mây khi vào gần đáy mây hơn là cứ lượn quanh dưới tâm mây.

MÂY HÚT THỰC SỰ
Các tình huống nguy hiểm hơn xảy ra khi nghịch chuyển chặn trên không phải là quá mạnh và tầng ở trên nó có tỷ lệ đoạn nhiệt môi trường bị coi là không ổn định có điều kiện. Đó có thể là tỷ lệ đoạn nhiệt môi trường ở mức 8oC trên 1.000 m.

Một thermal vượt quá [cao độ] hình thành mây và vẫn tiếp tục lên tầng này có thể đạt đến độ cao mà nó không còn mát hơn không khí xung quanh do môi trường mát nhanh hơn theo độ cao so với không khí trong mây đang bốc lên.

Nếu điều này xảy ra ta có thể nói mây đã đạt đến “cao độ đối lưu tự do”. Đám mây giờ đây tự do lên cao thêm. Đây là điểm mà tại đó mây cumulus ‘tụt’ trở thành mây cumulus hoạt tính và tạo ra mây hút thật sự. Nó thường cao ít nhất là bằng chiều rộng và đôi khi cao hơn.

Trong những ngày như vậy điều quan trọng hơn là nên rời khỏi vùng nâng ngay từ ở dưới xa đáy mây, do những đám mây như vậy có khả năng quá phát triển và bão (không hiểu đ/c ấy viết gì ở chỗ này, có phải muốn nói là thành dông bão?-btg).

TÍNH GIÁ TRỊ CAPE CỦA MÂY HÚT:
Giá trị của mức dự báo năng lượng tiềm năng đối lưu sẵn có (CAPE – convective available potential energy) của những ngày như vậy có thể dao động từ 500 đến hơn 2.000. (CAPE chính là sức nổi dương của một phần tử không khí và là chỉ số về sự bất ổn định của khí quyển.)

Chỉ số sức nâng: Nếu chỉ số sức nâng (sự khác biệt nhiệt độ giữa một phần tử không khí và nhiệt độ của môi trường, trong đó từ 0 đến -6 là không ổn định và từ 0 đến 6 là ổn định) được dự báo là âm thì ta cũng nên coi đó là sự cảnh báo.

Trong không khí: Quan trọng hết thảy là phải để mắt đến mây khi bay thermal và nhận thấy là mình không thể chắc chắn về mức độ phát triển theo chiều thẳng đứng của đám mây mà bạn đang ở ngay dưới. Trong những ngày như vậy nhiều thứ có thể thay đổi trong

khoảng thời gian dưới 20 phút và căn buồng toàn màu trắng [khi bay vào mây] có lẽ chẳng hề có sự nể nang hay thương xót nào.

Nguồn: Cross Country số 130

Bình luận

comments