Thiết bị hỗ trợ bay: Ai cần đến chúng?

Thiết bị hỗ trợ bay: Ai cần đến chúng?
Bùi Thái Giang dịch

Nhà vô địch thế giới Bruce Goldsmith so sánh việc bay lang thang không cần có các thiết bị hỗ trợ so với nút bấm, núm xoay và những gì kêu bíp bọp trong chuyến bay của mình.

Trong 90% các chuyến bay tôi chỉ bay với một cái vario Solario bé xíu: đó là cái vario chỉ kêu “bíp bíp’, nhỏ tí xíu và chạy bằng năng lượng mặt trời của Renschler. Nó đơn giản là món đồ chơi công nghệ cao xinh xinh và thân thiện môi trường, tôi có cái sướng là bay trong một vùng bay rất bé, do đó có thể bay mà không cần biết chính xác độ cao và vị trí của mình, và cũng không cần thiết phải dùng thiết bị đo độ cao hay GPS cho các chuyến bay bình thường, thử nghiệm hoặc bay đường dài trong khu vực. Cái vario Solario lúc nào cũng dán chặt bằng ‘sộp’ vào mũ bảo hiểm, do đó nếu có đổi đai ngồi hoặc vòm dù thì cũng chẳng phải lo gì sất về vụ mang theo thiết bị bay.

Cái đồ chơi ‘bíp bíp’ tí hon luôn được gắn trên mũ bảo hiểm này cho tôi biết những thông tin thật sự cần thiết để bay hàng ngày – đó là tôi đang lên hay xuống. Bay với thiết bị tối giản giúp trau dồi các giác quan của mình. Khi đó ta chỉ thuần túy tập trung vào cảm nhận về không khí và không cho phép bản thân ỷ lại vào các thiết bị hỗ trợ để lý giải những gì đang xảy ra quanh ta.

Tuy nhiên, nếu nói về các thiết bị dùng khi bay thi đấu của tôi thì hoàn toàn ngược lại. Đó là một cockpit chất đầy các thiết bị: 3 GPS và 2 vario, tất cả đều được dàn ra trước mặt trên cái bao gắn liền với đai ngồi loại thi đấu. Tuy nhiên tôi vẫn giữ cái vario Solario trên mũ bảo hiểm để lấy may.

thì cầu quan trọng nhất là GPS phải giúp bay đến các điểm mốc (turnpoints), ghi lại một cách chính xác và tải về thành công để tôi có thể ghi điểm. Tôi có ba cái GPS chỉ đơn giản là vì đã mua ba cái. Thực lòng cá nhân tôi nghĩ chỉ cần hai cái GPS là quá đủ, nhưng mà ba cái thì có vẻ ‘sang trọng’ hơn một chút.

Hai cái GPS của tôi là loại có vario tích hợp còn cái thứ 3 là Garmin 12Map mà tôi dùng từ 5 năm nay. Đó là cái đơn giản nhất trong tất cả các loại GPS, nó dễ sử dụng và đáng tin cậy nhất. Nếu cái này mà cũ đi thì tôi sẽ mua cái Garmin 76S để thay thế, vì nó vẫn còn giữ được đặc điểm đơn giản và tin cậy của những GPS cũ trước đó.

(Có tin đồn rằng trước đây có một phi công dù lượn làm trong bộ phận thiết kế của Garmin. Người này đã thiết kế các thiết bị chuyên dùng cho phi công, mặc dù thị trường GPS cho phi công là rất nhỏ. Cái GPS Garmin 76S là cái cuối cùng và tốt nhất mà anh ta đã thiết kế. Một vài năm trước anh ta đã rời Garmin và trong tương lai sẽ không chắc có được bất kỳ thứ gì tuyệt hơn và phù hợp với chúng ta trong phân khúc thị trường khá riêng biệt cho dù lượn, thật đáng tiếc.)

Theo tôi, chức năng thích nhất trên Garmin đó là nút ‘Goto’. Tôi thường thấy các thiết bị tích hợp phức tạp GPS/vario hay bị ‘mất hút hàng lươn’ (lạc đường) trong khi thực hiện các nội dung bay (task) và tôi không chắc là mình đang ở đâu trong chuỗi phức tạp các turnpoint. Nút ‘Goto’ giúp tránh tất cả những vấn đề đó.

Hai cái vario kia là của Flytec và Aircotec XC trainer. Cả hai varios đều có những cái hay và dở riêng, tuy nhiên chỉ có một chức năng làm tôi ngán đối với cả hai, đó là thông số ‘lướt-về-đích’ (glide-to-goal) là rất khó nhìn trên màn hình, đây là một trong những thông tin quan trọng nhất khi bay thi đấu. Khi bay một task tôi cần biết góc lượn về đích ở mọi thời điểm. Đối với tôi, đây là ‘mẩu’ thông tin quan trọng nhất vì thường thì một nửa nội dung bay là đường lượn về đích, do đó, chọn khi nào thực hiện ‘lướt-về-đích’ là cực kỳ quan trọng và có thể giúp ta thắng nội dung bay.

Nghe có vẻ kỳ cục khi xem xét ví dụ này: trong một nội dung bay 60 km với cao độ đáy mây (cloudbase) là 3.000m, con số góc lướt về đích 10:1 sẽ đưa ta đi 30km, và đó là chính xác một nửa nhiệm vụ. Nếu bạn có thể bắt đầu đường lướt về đích 1km trước cả ‘đám dù’ còn lại thì cũng có thể chắc là bạn sẽ giành chiến thắng nội dung bay này. Ngay từ lúc cất cánh tôi luôn thích nhìn góc lướt-về-đích ngay cả khi GPS cho biết góc lướt là 90 độ. Khi thực hiện nội dung bay thì con số này thay đổi lên xuống và cho tôi cảm giác có thể thực hiện động tác lướt-về-đích sớm đến mức độ nào. Một số thiết bị cho ta thông tin ‘lướt đển điểm mốc tiếp theo’ (glide-to-next-turnpoint), [với tôi] thì chức năng này là hoàn toàn vô dụng trừ khi ta muốn hạ cánh ở ngay điểm mốc này.

Một yếu tố rất quan trọng để xem xét là phải đảm bảo chắc chắn là thiết bị GPS có thể lập trình được để trừ đi bán kính quanh mỗi turnpoint; lý tưởng nhất là bạn chỉ lướt qua hình trụ tròn của turnpoint chứ không bay thẳng vào, nếu không thì sẽ bị thiệt về quãng đường nhiều hơn cần thiết. Ví dụ: nếu bạn có ba turnpoints ở đường lượn cuối, mỗi cái có bán kính 400 m, và bạn bay bay thẳng đến mỗi turnpoint 1 lần rồi trở ra, bạn sẽ phải bay 6 lần quãng đường bằng bán kính 400m nghĩa là thêm 2,4km so với phi công khác chỉ lướt qua hình trụ tròn.

Hầu hết GPS tích hợp vario làm được điều này, nó tự động ghi lại điểm mốc ngay khi bạn chạm vào và báo bằng tiếng ‘bíp’ rồi chuyển ngay sang turnpoint tiếp theo. Tuy nhiên, có những GPS riêng thì lại không làm được. Thay vào đó bạn phải quan sát bằng mắt xem là gần turnpoint đến mức nào và khi đã ở trong thì đếm nhẩm trong đầu 2 giây là đủ để đảm bảo máy đã ghi một điểm trong hình trụ tròn. Khi thi đấu bạn có thể biết ai có những thiết bị như thế này vì họ thường phải bay sâu hơn vào hình trụ tròn, trong khi các phi công sử dụng GPS tích hợp đã vọt nhanh đến turnpoint kế tiếp và tin chắc rằng họ đã ghi một điểm trong hình trụ tròn.

Tôi luôn phải đảm bảo chắc chắn là tất cả các thiết bị để bay thi đấu của mình là của các hãng khác nhau, bởi vì có những lỗi chỉ phổ biến với một loại máy. Ví dụ, một thiết bị có thể không bắt tín hiệu vệ tinh GPS ở gần thiết bị thu phát sóng, trong khi cái khác thì lại có thể bắt được tín hiệu và một số thì pin ngừng làm việc ở nhiệt độ thấp trong khi những pin khác thì thời gian dùng được kéo dài hơn do sự khác biệt về mức độ cách điện của pin. Nếu bạn có nhiều GPS khác nhau thì ít có nguy cơ bị mất điểm vì không mấy khi xảy ra trường hợp tất cả các thiết bị GPS đều bị hỏng hoặc không ghi thông tin lại ở cùng một thời điểm. Điều này nghe có vẻ hơi to chuyện nhưng trước đây bản thân tôi đã có lúc phải sử dụng cả 3 GPS để xác nhận chuyến bay của mình.

Trong thi đấu tôi thường bay với nhiều hơn 1 Vario. Đó chỉ giống như là có hai ý kiến khi gặp 1 thermal. Cũng tương tự như vậy với GPS khi đến 1 turnpoint. Tôi xem cả 3 và nếu 2 cái chỉ thị là đã ở trong khu vực thì tôi quay đi và không cần xem cái thứ ba, là cái rất có thể có vấn đề nào đó.

Lựa chọn thiết bị bay là rất quan trọng trong thi đấu, nhưng khi bay tự do tôi sẽ luôn nghiêng về sự đơn giản của anh bạn nhỏ Solario của mình. Nó cho tôi tất cả những gì cần biết, để tôi thoải mái không bị quấy rầy bởi những tiếng kêu ồn ào và thậm chí không bao giờ có chuyện hết pin. Trước đây trong diều lượn đã từng có xu hướng để phi công bay không có thiết bị hỗ trợ nào cả. Đã nhiều năm rồi tôi chưa gặp bất kỳ ai thuần túy bay mà không có thiết bị hỗ trợ cả, nhưng họ quả quyết là làm như thế thì phi công bay tốt hơn và tôi thật sự tin vào điều này.

Nguồn: Cross Country số 113

Bình luận

comments