Kiểm tra trước khi bay

Đây là một phần trong “Tài liệu Hướng dẫn Huấn luyện Phi công Dù lượn” giành cho phi công học viên nhằm giúp htìm hiểu về những vấn đề cơ bản của bộ môn thể thao dù lượn, những vấn đề cần biết khi bắt đầu chơi dù lượn. Về cơ bản, đây là các thông tin phi công học viên cần biết để chơi dù lượn một cách an toàn. – BT Giang

Trong quá trình huấn luyện bạn sẽ được HLV giới thiệu về các bộ phận khác nhau của bộ dù lượn. Những bộ phận quan trọng nhất của bộ dù lượn và đai ngồi được thể hiện trong hình minh họa dưới đây. Cũng giống như các thiết bị bay khác, điều quan trọng nhất là phải kiểm tra kỹ lưỡng và có hệ thống trước khi đưa một bộ dù lượn ra bay, để đảm bảo rằng nó ở trong tình trạng tốt, đã được kết nối đúng và an toàn để bay.

Có ba cấp độ kiểm tra:

1. Kiểm tra hàng ngày:
Được thực hiện hàng ngày trước khi bay và sau bất kỳ lần hạ cánh thô nào. Phi công có thể bắt đầu kiểm tra từ vòm dù trở xuống hoặc ngược lại.
a. Vòm dù

  • Kiểm tra bằng mắt mặt trên và dưới của vòm dù để xem có chỗ nào bị hư hại, sờn rách, những chỗ khâu bị tuột chỉ hoặc bị bẩn không;
  • Kiểm tra bên trong mỗi khoang dù xem kết cấu có nguyên vẹn hay bị hư hại gì không.

b. Dây dù

  • Kiểm tra bằng mắt dây dù và dây lái xem có chỗ khâu nào bị tuột chỉ không, lớp vỏ bảo vệ dây dù có bị rách hay hư hỏng không, đưa bất kỳ dây dù nào mà nghi là có vấn đề chạy qua tay để xem có chỗ nào bị lồi lên, gập hoặc thắt lại, hoặc rỗng bên trong;
  • Đặc biệt phải để ý đến điểm các dây dù phân nhánh và những chỗ dây nối vào vòm dù hoặc các khuy liên kết (maillons);
  • Kiểm tra từng khuy liên kết / khóa móc (carabiner) và phải chắc là chúng được móc ở đúng vị trí và đúng cách và có thể nhìn thấy rõ phần khóa;
  • Kiểm tra dây điều khiển ở mỗi bên xem có chỗ nào chỉ khâu bị tuột hay lỏng lẻo không, kiểm tra mức độ trầy xước và sờn mòn, đặc biệt là chỗ tiếp

    xúc với kim loại;

  • Kiểm tra xem dây lái có di chuyển tự do được hay không, các khuy dẫn hướng, khuy kim loại nhỏ hay những chỗ khuy bấm / kết nối phải được gắn chắc chắn;

c. Đai ngồi

  • Kiểm tra xem có chỗ chỉ khâu nào bị tuột không, những chỗ bị rách hoặc sờn trên dây đai đặc biệt là những chỗ tiếp xúc với kim loại;
  • Phải đảm bảo là các khóa không bị rỉ sét, mọi băng chun cố định dây đai phải ở đúng vị trí và trong tình trạng tốt;
  • Kiểm tra xem dù dự bị có được lắp vào đúng vị trí không, các khóa chốt dù dự bị có ở đúng vị trí không, có với tay tới được chỗ lắp tay kéo dù dự bị không.

3-1 harness.jpg

d. Các thiết bị phụ trợ

Kiểm tra để đảm bảo là các thiết bị phụ trợ và các dụng cụ ở trong tình trạng sử dụng tốt.

2. Kiểm tra trước chuyến bay
Những nội dung này phải được thực hiện trước mỗi

chuyến bay. Công đoạn kiểm tra này là bổ trợ nhưng biệt lập với Kiểm tra hàng ngày. Nếu trình tự kiểm tra bị gián đoạn vì bất cứ lý do gì thì phi công nên bắt đầu lại từ đầu.

a. Gió và thời tiết

  • Kiểm tra hướng gió – Xem có đổi hướng liên tục hay không?
  • Sức gió – Có thay đổi nhiều hay không? Liệu có phù hợp với trình độ và kinh nghiệm của bạn không?
  • Tầm nhìn – Có đủ tốt không?
  • Thời tiết – Có cơn mưa nào đang kéo đến hay không? Có dấu hiệu nào cho thấy có khả năng có nhiễu loạn hay không?

b. Vòm dù
Kiểm tra nhanh để thấy là không có gì khác biệt hay thay đổi kể từ khi bạn thực hiện kiểm tra hàng ngày. Cần kiểm tra xem:

  • Cánh dù có được trải ra đúng hướng và đúng cách không?
  • Các khoang dù có sạch hay có các vật lạ không?
  • Dây dù có bị vướng hay rối không?

c. Mũ bảo hiểm

Cần kiểm tra:

  • Đã đội mũ chưa;
  • Mũ phải vừa khít và không bị sụp xuống mắt;
  • Phải cài chặt quai mũ và không để mũ bị tuột ra.

d. Đai ngồi
Kiểm tra 5 điểm chính:

  • Khóa dây đai đùi bên trái;
  • Khóa dây đai đùi bên phải;
  • Khóa dây đai ngực và điều chỉnh đúng khoảng cách;
  • Khóa carabiner bên trái (để móc dây điều khiển);
  • Khóa carabiner bên phải;

Kiểm tra tất cả các đai chằng chéo xem đã chỉnh chính xác khoảng cách chưa, và dù dự bị (nếu có trang bị) đã được lắp vào đúng vị trí chưa, các khóa chốt dù dự bị có ở đúng vị trí không, có với tay tới được chỗ lắp tay kéo dù dự bị không.

e. Dây lái

  • Kiểm tra xem vòng tay kéo dây lái có ở đúng bên không;
  • Dây điều khiển có lắp đúng chiều không;
  • Dây lái có chuyển động tự do được không.

f. Khoảng không giành cho cất cánh
Cần kiểm tra những vấn đề sau:

  • Kiểm tra xem đường chạy cất cánh của

    bạn đã sạch và thoáng chưa – phải không có bất cứ vật gì có thể khiến bạn bị trượt ngã hoặc trẹo mắt cá chân;

  • Không gian ở tất cả các hướng phải là quang quẻ, không có các bụi cây, cột chống hoặc chướng ngại vật nào và không có người hoặc gia súc qua lại (chạy cất cánh mà xử lý sai thì có thể phải cần đến rất nhiều khoảng trống ở bất kỳ hướng nào);
  • Khoảng không phía trên, phía trước và phía dưới bạn là trống và không bị các phi công khác chiếm chỗ và vẫn được giữ nguyên khi bạn cất cánh;
  • Không có phi công nào khác sắp bay vọt qua trong khi tìm cách hạ cánh trên đỉnh (top landing) và cần khoảng không mà bạn chuẩn bị chiếm giữ để cất cánh.

g. Hướng quay để chạy cất cánh
Nếu cất cánh ngược (reverse launch) thì phải kiểm tra xem dây điều khiển nào nằm trên, nghĩa là vai bên đó sẽ phải xoay về phía sau khi quay người hướng mặt vào hướng gió.

Tất cả các nội dung kiểm tra ở trên nghe có vẻ rất phức tạp và dài dòng. Nhưng bạn có thể yên tâm là trong quá trình tham gia huấn luyện HLV sẽ chỉ dẫn kỹ lưỡng để bạn có thể thực hiện những nội dung này một cách tự động. Đây là những vấn đề có tính nguyên tắc cho sự an toàn của bản thân bạn.

3. Kiểm tra định kỳ
Đây là kiểm tra tổng thể và lớn theo khuyến cáo của nhà sản xuất, có thể là hàng năm hoặc sau một số giờ bay nhất định. Một số nhà sản xuất còn cung cấp dịch vụ kiểm tra định kỳ này cho những người sử dụng thiết bị dù lượn của hãng.

Kiểm tra tổng thể sẽ bao gồm kiểm tra mức độ xuống cấp của tất cả các loại vật liệu (vòm dù, dây dù và dây đai) cùng với mức độ nguyên vẹn của các bộ phận bằng kim loại. Kết quả kiểm tra tổng thể có thể đưa ra những yêu cầu phải thay thế hay sửa chữa nhỏ đối với dây dù nhằm mục đích đảm bảo an toàn.

Khi mua cánh dù đầu tiên, bạn nên qua nhà sản xuất hoặc cơ sở dịch vụ của họ để nhờ hỗ trợ và kiểm tra định kỳ cánh dù. Kiểm tra định kỳ là cực kỳ quan trọng cũng giống như bảo dưỡng định kỳ đối với ô tô hay xe máy!

3-2 canopy.jpg

Bình luận

comments