CHƯƠNG 2: CÁNH DÙ VÀ CÁC TRANG THIẾT BỊ BAY BAN ĐẦU

Nguyễn Tuấn dịch, BT Giang hiệu đính

“Người làm sao trang thiết bị bay chiêm bao làm vậy” – Anon

Dù lượn là  hoạt động bay được giảm thiểu đến mức thiết yếu về mặt thiết bị. Sự ngăn cách giữa bạn và bầu trời là rất ít và đó là những gì làm cho môn thể thao này trở nên thú vị và hấp dẫn đến vậy. Ở dạng thuần khiết nhất, dù lượn trở thành cuộc kết duyên giữa phi công và cánh dù để tạo ra chuyến bay đồng điệu và hài hòa. Mục tiêu là làm sao để cánh dù trở thành một phần của cơ thể và tâm trí bạn.

Phần quan trọng của sự kết hợp này là cánh dù cùng với các thiết bị khác tất thảy phải làm cho sự bay lượn kỳ diệu trở nên có thể. Bạn phải hiểu cách làm thế nào để sử dụng và bảo quản thiết bị đúng cách để chúng không làm bạn thất vọng. Trong Chương này bạn sẽ học cách sắp xếp cơ bản và bảo quản thiết bị cần thiết cho những chuyến bay đầu tiên của mình. Sau đó, trong Chương 11 chúng tôi sẽ cung cấp thêm nhiều thông tin về các thiết bị bay.

Chúng ta bắt đầu với chính vòm dù, sau đó là đai ngồi và các thiết bị hỗ trợ như mũ bảo hiểm và các thiết bị hỗ trợ bay.

 

CÁNH DÙ PHÙ HỢP

Cánh dù sử dụng cho huấn luyện và chuyến bay ban đầu rất khác với những cánh dù sử dụng sau này khi bạn đã học được thêm nhiều các kỹ năng. Bạn sẽ không nhảy ngay vào chiếc xe đua ngay khi mới học lái xe có phải không? Cũng có thể như vậy, với dù lượn bạn phải trải qua giai đoạn chim non để cho lông cánh phát triển. Điều đó có nghĩa là bạn nên sử dụng cánh dù dễ bay trước tiên.

Những đặc tính của cánh dù huấn luyện dễ sử dụng là gì? Điểm chính là chúng được thiết kế để có thể dễ bơm căng cánh dù lên (bốc cao lên trên đầu bạn) trong khi chạy cất cánh,  tốc độ bay chậm, dễ đoán định trước được, dễ điều khiển, ổn định và khả năng chống nhiễu loạn trong khi bay cũng như dễ dàng hạ cánh. Chúng ta sẽ tìm hiểu thêm một số các yếu tố về thiết kế sau này, nhưng ở đây chúng tôi đề cập đến vấn đề vòm dù nhẹ, các khoang cánh rộng, áp lực bơm cánh dù cao và các yếu tố khác để đạt được các đặc tính mong muốn nói trên.

Vì cánh dù huấn luyện dễ sử dụng bay chậm hơn nên không nên bay nó trong điều kiện gió mạnh như các loại dù tính năng cao và chúng không lướt được xa. Tuy nhiên, chúng vẫn đưa bạn bay lên cao như mong muốn. Trong thực tế, chúng tôi khuyến nghị bạn nên học tốt tất cả các kỹ năng bằng cánh dù cấp độ thấp và không vội chuyển lên loại có cấp độ cao hơn. Thông thường, dù cấp độ càng cao càng đòi hỏi phải bay chủ động trên không để duy trì ổn định. Cần có thời gian để phát triển các kỹ năng điều khiển dù, do đó bạn nên cẩn thận trong việc chuyển lên dù cấp độ cao hơn.

2-1.jpg

Hình 2-1: Mô tả chung về một bộ dù lượn

Huấn luyện viên sẽ cấp cánh dù phù hợp với cỡ của bạn. Nếu cánh dù quá bé, khi cất cánh và hạ cánh thì phải chạy nhanh hơn. Nếu cánh dù quá to thì sẽ khó duy trì được sự ổn định trong khi bay. Điểm này là thiết yếu và là một yếu tố an toàn hết sức quan trọng. Chúng tôi khuyên bạn nên sử dụng các thiết bị của cơ sở huấn luyện cho đến khi bạn sẵn sàng mua thiết bị cho riêng mình, sau đó tranh thủ sự giúp đỡ của đại lý cung cấp dù có kinh nghiệm (trong hầu hết các trường hợp đó chính là huấn luyện viên của bạn) để hướng dẫn bạn mua dù. Hãy thận trọng khi mua thiết bị đã qua sử dụng cho đến khi bạn có kinh nghiệm bởi vì bạn không biết đánh giá tình trạng thiết bị và kích cỡ có phù hợp không (xem hướng dẫn về thiết bị đã qua sử dụng ở Chương 11). Dù sao thì nếu bạn có một cánh dù không phải là dù huấn luyện thì cũng sẽ khó mà sử dụng nó an toàn ngay từ đầu.

Trò chơi ‘Đuổi hình bắt chữ’

Trong quá trình huấn luyện, huấn luyện viên và các phi công khác sẽ nói về các bộ phận khác nhau của bộ dù lượn. Bạn cũng nên học những phần này để có thể giao tiếp về cánh dù. Bắt đầu với những thuật ngữ chính như vòm dù, mép trước, mép sau, các khoang dù, miệng dù, dây dù, dây lái, tay cầm dây lái, dây điều khiển, khoá móc/carabiner, đai ngồi và dây đai. Bạn có thể hình dung ra một số trong các mục này không? Khi đã tiến bộ trong quá trình bay lượn, bạn cần tiếp tục tìm hiểu thêm chi tiết của bộ dù lượn của mình.

Nhìn vào hình 2-1, ở đây chúng tôi giới thiệu về cánh dùng và phi công trong khi bay để bạn có cái nhìn tổng quát về cánh dù và một vài bộ phận chính.

  • Vòm dù là cánh vải hình vòng cung ở phía trên đầu bạn. Vòm dù thường được làm từ nylon.
  • Mép trước là phần phía trước của vòm dù nơi đón gió đầu tiên.
  • Mép sau là mép phía sau của vòm dù.
  • Miệng dù ở mép trước là các miệng mở ở phía trước vòm dù cho phép không khí thổi vào trong cánh dù. Mép sau là đóng kín, do vậy một khi không khí đã bơm vào đầy trong vòm dù thì nó không thoát ra ngoài được nữa mà duy trì áp lực để giữ cho cánh dù căng phồng.
  • Dây dù là các dây chịu lực chính kết nối vòm dù với đai ngồi. Chúng được gắn chặt vào mặt dưới vòm dù bằng các vòng khâu nhỏ và có thể tháo bỏ để thay thế nếu bị hư hại.
  • Dây lái chạy từ đai ngồi lên đến mép sau của vòm dù. Có một dây lái trái và một dây lái phải; Chúng được dùng để thay đổi hình dạng phía sau của vòm dù và do đó điều khiển cánh dù.

Thông thường các dây điều khiển còn được gọi là dây phanh, nhưng chúng tôi nhất trí với ý kiến của một số huấn luyện viên là không khuyến khích việc sử dụng thuật ngữ này vì nó có thể dẫn tới hiểu lầm.

  • Đai ngồi là cái mà phi công ngồi vào. Nó có các dây đai để giữ an toàn cho phi công trong đai ngồi cũng như để chứa dù phụ và các thiết bị khác.
  • Phi công với nụ cười ngô nghê kia chính là… bạn đấy.

Việc biết các thuật ngữ trong dù lượn cho phép bạn hiểu và trao đổi về các vấn đề kỹ thuật.

Vòm dù

Giờ thì hãy xem xét cụ thể hơn vòm dù để thấy các bộ phận đặc biệt. Hình 2-2 cho thấy vòm dù hình vòng cung với các thông số đo. Khoảng cách giữa hai đầu cánh dù được gọi là sải cánh của cánh dù. Khoảng cách từ mép trước đến mép sau gọi là khổ cánh. Chúng tôi nhắc lại mép trước là phần biên trước của cánh dù và mép sau là phía sau. Bộ phận xa nhất của cánh được gọi là đầu mút cánh. Hầu hết các cánh dù đều có một vùng ở phía đầu cánh có thể kéo xuống được; vùng này gọi là tai ổn định.

2-2a.jpg

2-2b.jpg

Hình 2-2: Mô tả chi tiết cánh dù

Bạn có thể thấy là cánh dù được chia ra thành nhiều phần gọi là các khoang. Mỗi khoang được ngăn cách bởi mộtvách bên trong. Vách kết nối mặt trên và mặt dưới của cánh dù với nhau. Dù cho người mới thường có khoang rộng hơn và số lượng khoang ít hơn – thường là vào khoảng trên dưới hai mươi khoang. Các loại dù cấp cao hơn có thể có tới bảy mươi khoang cỡ nhỏ. Khoang rộng hơn và miệng mở lớn hơn giúp duy trì vòm dù căng phồng tốt hơn và dẫn đến cất cánh dễ dàng hơn.

Phần thứ hai của hình 2-2 cho thấy mặt cắt ngang của cánh dù giống như khi ta cắt nó bằng một con dao lớn. Ở đây bạn có thể độ cong ở mặt trên và ít cong hơn ở mặt dưới. Dây dù được gắn vào mặt dưới cánh dù và các vách hoặc vách ngăn giữa mặt trên và mặt dưới để duy trì hình dạng của cánh dù. Bây giờ hãy nhìn vào vách ngăn và chú ý tới các lỗ trong đó. Những lỗ này chính là các lỗ thông khí. Chúng là một trong những yếu tố sống còn trong thiết kế dù lượn bởi vì nó cho phép không khí đi vào mép trước di chuyển ra xung quanh để tạo áp lực lên toàn bộ cánh dù và giữ cho nó căng phồng.

Một hình mặt cắt với bề mặt phía trên cong như hình trên được gọi là một biên dạng cánh (airfoil). Theo định nghĩa, khổ của biên dạng cánh là khoảng cách từ điểm xa nhất phía trước đến điểm phía sau cùng như ta thấy trong hình.

 

Đai ngồi

Cuối cùng, chúng tôi đưa ra hình 2-3 mô tả chi tiết về hệ thống đai ngồi. Chú ý: hình vẽ này mô tả đai ngồi cho người mới hoặc đai ngồi huấn luyện. Các đặc tính của đai ngồi được mô tả chi tiết trong Chương 11.

2-3.jpg

Hình 2-3: Mô tả chi tiết đai ngồi

Các bộ phận chính của hệ thống đai ngồi bao gồm:

  • Tấm ngồi. Thông thường các đai ngồi có một tấm đệm cứng bằng nhựa tổng hợp để cho (phi công ngồi) thoải mái.
  • Dây đai đùi là dây đai có thể điều chỉnh được để giữ bạn không trượt ra khỏi tấm ngồi.
  • Dây đai ngực hoặc đai thắt lưng. Dây đai này giúp giữ bạn trong đai ngồi và định vị các carabiner phù hợp với cơ thể bạn.
  • Khoá móc/Carabiners là khuy kim loại dùng để kết nối các dây điều khiển với đai ngồi. Chúng có thể mở ra được để tháo dây điều khiển ra khỏi đai ngồi và do đó ngắt đai ngồi thoát khỏi cánh dù. Chúng được khóa lại để bay.
  • Dây điều khiển là đoạn dây đai ngắn dùng để nối dây dù với carabiner. Chức năng của nó là phân bố đều dây dù và cho phép phi công có thể tác động riêng rẽ đến một số dây nhất định.
  • Các khoá nối dây dù (khuy liên kết nhanh) là những vòng khuy nhỏ dùng để liên kết dây điều khiển với dây dù.
  • Tay cầm dây lái là vòng mà bạn nắm tay vào để kéo dây lái. Tay cầm thường có một khuy bấm hoặc nam châm để gắn nó vào dây điều khiển do đó không bị rối vào dây dù khi không sử dụng.
  • Khuy dẫn hướng dây lái dù là một cái ròng rọc hoặc vòng giữ cho dây lái ở vị trí dễ cầm.
  • Bộ phận bảo vệ lưng là tấm mút xốp bảo vệ làm cong theo phía sau mông lên đến lưng bạn. Một số đai ngồi huấn luyện có miếng đệm ít phức tạp hơn để tiện dụng trong quá trình huấn luyện. Thông thường đai ngồi đều có sẵn khoang chứa dù phụ, nhưng dù phụ thì vô dụng khi gần mặt đất, do đó bạn sẽ không dùng đến nó trong những chuyến bay ban đầu.

Bố trí dây dù

Điều cuối cùng mà chúng tôi muốn trình bày trong chủ đề này là vị trí và cách nhận dạng hệ thống dây dù. Các đai ngồi và các vòm dù khác nhau sẽ có dây điều khiển và dây dù được bố trí hơi khác nhau một chút. Cách bố trí thông dụng sử dụng ba hoặc bốn dây điều khiển cho mỗi bên như thể hiện trong hình 2-4. Hầu hết các cánh dù huấn luyện cũng sử dụng ba hoặc bốn dây điều khiển do đó việc bạn chuyển lên cánh dù cao cấp hơn không dẫn đến việc phải tìm hiểu và làm quen với hệ thống dây điều khiển mới.

Để bảo đảm dây dù chịu lực đồng đều:

Không bao giờ được để giẫm lên, giật hoặc xoắn nút dây dù.

2-4.jpg

Hình 2-4: Hệ thống 3 và 4 dây điều khiển

Cho dù là cánh dù có sử dụng bao nhiêu dây điều khiển đi nữa thì hầu như tất cả đều có bốn lớp dây chạy lên đến vòm dù. Ta có thể nhóm các dây này lại với nhau theo vị trí của chúng ở trên vòm dù. Những dây ở phía trước được gọi là dây A và chạy xuống dây điều khiển trước (mỗi bên đai ngồi có một cái). Việc nắm rõ vấn đề này là quan trọng bởi vì sau này ta sẽ sử dụng thuật ngữ dây điều khiển trước khi học về quy trình cất cánh cũng như các kỹ thuật khác. Các dây tiếp theo phía sau được gọi là dây B, rồi dây C và cuối cùng là dây D ở phía sau vòm dù. Các dây điều khiển ở phía sau được gọi là dây điều khiển sau. Nếu một thệ thống sử dụng bốn nhóm dây, chúng được xác định là A, B, C và D. Nhưng với hệ thống sử dụng ba dây điều khiển thì hơn một lớp dây được gộp vào một dây điều khiển như trong hình vẽ, do đó nói chung ta thường không nhắc tới nhóm dây B hoặc C để tránh nhầm lẫn.

Dù huấn luyện thường có 20 dây dù – có nghĩa là 10 dây ở mỗi bên. Ví dụ, nếu ba dây điều khiển được sử dụng, thì dây điều khiển A có thể có 3 dây dù, dây điều khiển giữa có 4 dây dù và dây điều khiển sau có 3 dây dù, mỗi bên. Dù cao cấp hơn có thể có 30 tới 40 dây dù.

Ở đây có hai điều cần chú ý: Các dây D không chạy sát về phía sau của vòm dù. Dây cuối cùng ở phía sau là dây lái. Từ hình 2-4 bạn có thể hình dung ra việc kéo dây lái sẽ kéo phần sau của vòm dù xuống giống như cánh tà hoặc cánh lái liệng trên máy bay. Ta cũng cần lưu ý rằng dây dù tách ra ở trên đỉnh trải ra dọc theo cánh dù nhằm để phân bổ tải trọng đồng đều. Thông thường một dây dù được chia ra làm 3 phần. Những phần đó được gọi là đoạn dây (cascades).

 

Bố trí dây dù

Điều cuối cùng mà chúng tôi muốn trình bày trong chủ đề này là vị trí và cách nhận dạng hệ thống dây dù. Các đai ngồi và các vòm dù khác nhau sẽ có dây điều khiển và dây dù được bố trí hơi khác nhau một chút. Cách bố trí thông dụng sử dụng ba hoặc bốn dây điều khiển cho mỗi bên như thể hiện trong hình 2-4. Hầu hết các cánh dù huấn luyện cũng sử dụng ba hoặc bốn dây điều khiển do đó việc bạn chuyển lên cánh dù cao cấp hơn không dẫn đến việc phải tìm hiểu và làm quen với hệ thống dây điều khiển mới.

Để bảo đảm dây dù chịu lực đồng đều:

Không bao giờ được để giẫm lên, giật hoặc xoắn nút dây dù.

2-4.jpg

Hình 2-4: Hệ thống 3 và 4 dây điều khiển

Cho dù là cánh dù có sử dụng bao nhiêu dây điều khiển đi nữa thì hầu như tất cả đều có bốn lớp dây chạy lên đến vòm dù. Ta có thể nhóm các dây này lại với nhau theo vị trí của chúng ở trên vòm dù. Những dây ở phía trước được gọi là dây A và chạy xuống dây điều khiển trước (mỗi bên đai ngồi có một cái). Việc nắm rõ vấn đề này là quan trọng bởi vì sau này ta sẽ sử dụng thuật ngữ dây điều khiển trước khi học về quy trình cất cánh cũng như các kỹ thuật khác. Các dây tiếp theo phía sau được gọi là dây B, rồi dây C và cuối cùng là dây D ở phía sau vòm dù. Các dây điều khiển ở phía sau được gọi là dây điều khiển sau. Nếu một thệ thống sử dụng bốn nhóm dây, chúng được xác định là A, B, C và D. Nhưng với hệ thống sử dụng ba dây điều khiển thì hơn một lớp dây được gộp vào một dây điều khiển như trong hình vẽ, do đó nói chung ta thường không nhắc tới nhóm dây B hoặc C để tránh nhầm lẫn.

Dù huấn luyện thường có 20 dây dù – có nghĩa là 10 dây ở mỗi bên. Ví dụ, nếu ba dây điều khiển được sử dụng, thì dây điều khiển A có thể có 3 dây dù, dây điều khiển giữa có 4 dây dù và dây điều khiển sau có 3 dây dù, mỗi bên. Dù cao cấp hơn có thể có 30 tới 40 dây dù.

Ở đây có hai điều cần chú ý: Các dây D không chạy sát về phía sau của vòm dù. Dây cuối cùng ở phía sau là dây lái. Từ hình 2-4 bạn có thể hình dung ra việc kéo dây lái sẽ kéo phần sau của vòm dù xuống giống như cánh tà hoặc cánh lái liệng trên máy bay. Ta cũng cần lưu ý rằng dây dù tách ra ở trên đỉnh trải ra dọc theo cánh dù nhằm để phân bổ tải trọng đồng đều. Thông thường một dây dù được chia ra làm 3 phần. Những phần đó được gọi là đoạn dây (cascades).

CẤU TRÚC CỦA DÙ LƯỢN

Để hiểu được độ bền của dù lượn và làm thế nào để chăm sóc bảo quản nó, trước tiên chúng ta tìm hiểu một chút về cấu trúc của cánh dù. Ta sẽ không đi quá sâu về kỹ thuật ở đây mà chỉ giới thiệu để làm quen. Trong Chương 11 chúng tôi đề cập sâu hơn về các thiết bị vì khi bạn mua trang thiết bị cho cá nhân bạn thì cần biết chi tiết hơn.

Vòm dù

Cánh dù vòng cung bay xuyên qua bầu trời không đơn giản chỉ là bất kỳ miếng giẻ cũ nào. Nó được làm bằng vải nylon được dệt đặc biệt và tráng phủ bằng một lớp nhựa để nó trở lên chắc chắn với độ thấm khí thấp. Các nhà thiết kế chọn vải theo trọng lượng nói chung liên quan tới độ dày của vải. Vật liệu nặng hơn có thể ít thấm khí hơn, nhưng có thể làm cho khó bơm cánh dù căng trong điều kiện gió nhẹ đơn thuần chỉ là do trọng lượng tăng thêm.

Các vật liệu khác sử dụng trong cánh dù hiện đại bao gồm cả đai vải dù và nhựa Mylar. Các khuyên làm bằng đai vải dù dùng để tạo các tai để gắn dây dù. Nhựa Mylar là tấm cứng polyester đôi khi được đặt gần mép trước để giữ các miệng dù luôn mở. Các tam giác làm bằng Mylar thường được may ở phía trước vách ngăn là cho mục đích này.

Dây dù

Bản thân dây dù thường được làm từ sợi Kevlar (tên thương mại của một loại sợi aramid). Sợi Kevlar đàn hồi thấp và cực kỳ khỏe. Một số dây được làm từ sợi Spectra (ở châu Âu gọi là sợi Dyneema) cũng là một loại sợi rất khỏe. Spectra có xu hướng thay đổi chiều dài (giãn) do đó nó thường chỉ được dùng cho những phần ngắn của dây. Nó có tính chất linh hoạt (flex properties) hơn sợi Kevlar.

Tất cả các dây dù được bọc bởi một lớp vỏ bảo vệ có phủ gọi là bọc dây dù. Lớp phủ thường được làm bằng polyester và không được coi là một tạo độ bền của dây. Lớp phủ được nhuộm màu và đôi khi người ta sử dụng màu sắc khác nhau cho những lớp dây khác nhau để giúp nhận dạng chúng. Hầu hết dây dù được chia thành dây có đường kính nhỏ hơn ở gần vòm dù. Thông thường dây có đường kính 2,1 mm ở dưới thấp và từ 0,9-1,2 mm ở trên (đường kính dây thường đo bằng mm thậm chí dùng trong cả tiếng Anh. Hai mm bằng 0,078 inches). Mỗi dây có thể treo giữ ít nhất 180kg khi còn mới. Nếu nhân số này lên 20 đến 35 dây trên một cánh dù thông thường bạn có thể thấy cánh dù thực sự là khỏe.

2-4b.jpg

Một cánh dù sẵn sàng để bay cho thấy sự sắp xếp của vòm dù, dây dù và đai ngồi.

 

 

Đai ngồi

Đai ngồi thường làm từ vải nylon bền chống ẩm, bụi, dùng suồng sã & quăng quật. Dây đai dù và dây điều khiển thường làm từ chất liệu vải dù Dacron. Các khoá liên kết nhanh làm bằng thép và khoá móc carabiners bằng nhôm đúc đặc biệt hoặc thép rất khỏe.

Tất cả các đai ngồi tích hợp các khoá hoặc các móc gài để dễ dàng đeo vào và tháo ra. Nó cũng có các dây đai có thể điều chỉnh được cho cỡ đùi to hay nhỏ, vai to hay bé. Các bộ phận điều chỉnh được thường lấy từ các vật liệu dùng cho nhảy dù và leo núi cho nên thường rất chắc chắn và tin cậy. Bạn sẽ thấy rằng dây đai của đai ngồi được khâu lại với nhau ở nhiều chỗ để tạo thành các vòng dây đai hoặc khuyên kết nối. Việc khâu sử dụng chỉ Dacron, và một đai ngồi được sản xuất đúng cách thì vô cùng khỏe.

Khi cơ thể bạn treo đung đưa trên cánh dù trông có vẻ như đơn giản với các dây đai chằng ngang dọc và tấm ngồi bằng vải, thì bạn có thể yên tâm rằng nó đã được thử nghiệm và dễ dàng chịu được mười lần trọng lượng của bạn.

 

BẢO QUẢN VÀ CHĂM SÓC CÁNH DÙ

Khi bạn bắt đầu vào khoá huấn luyện, huấn luyện viên thường chăm lo việc gấp, cất giữ và cách sử dụng ban đầu đối với cánh dù và các thiết bị liên quan. Tuy nhiên điều quan trọng là bạn cần hiểu một số vấn đề cơ bản về bảo quản cánh dù do đó không gây ra hao mòn không cần thiết đối với cánh dù huấn luyện. Trong Chương 11 chúng tôi sẽ lại đi vào thảo luận về việc bảo quản chi tiết hơn, như vậy bạn có đủ kiến thức và biết cách bảo quản và sử dụng một cách đầy đủ khi bạn có cánh dù của riêng mình.  Hình 2-5: tóm tắt những hư hại có thể xảy ra với cánh dù

2-5a.jpg

2-5b.jpg

2-5c.jpg

2-5d.jpg

2-5e.jpg

2-5f.jpg

2-5g.jpg

Hình 2-5: Các nguyên nhân gây hư hại đối với cánh dù

Huỷ hoại của môi trường

Chỉ riêng một yếu tố (bên cạnh việc dùng như phá) làm giảm tuổi thọ của cánh dù đó là tia cực tím (UV) phát ra từ mặt trời. Nylon, tất cả các loại vải, sợi Dacron, Spectra và Kevlar đều bị hư hại từ từ dưới tác dụng của các chùm tia cực tím. Vì lý do này chúng tôi khuyên bạn nên cất giữ vòm dù trong ba lô hoặc bao đựng cho đến khi sẵn sàng sử dụng. Khi dù đang để nằm thì nên túm gọn lại tốt hơn là cứ để trải rộng ra, và tốt hơn là nên để dù vào chỗ có bóng râm. Chúng tôi khuyên bạn nên kiểm tra độ thấm khí và độ bền của vòm dù hàng năm ở chỗ đại lý.

Nhiệt là môi trường nguy hại thứ hai đối với tuổi thọ cánh dù. Không bao giờ nên để cánh dù trong xe ôtô đóng kín hoặc để trong cốp xe để phơi ngoài nắng nóng dưới ánh mặt trời sa mạc nhiệt đới. Dù cũng không nên để vận chuyển gần động cơ hoặc ống xả vì có thể làm nóng chúng hơn nhiệt độ môi trường xung quanh. Hãy coi cánh dù như con chó cưng của bạn và nó sẽ trở thành người bạn lâu bền.

Cuối cùng, hơi ẩm có thể làm dù lượn bị xuống cấp, chủ yếu là vòm dù. Luôn cất dù ở nơi thoáng mát và khô ráo. Mưa và bị nhúng xuống ao thường sẽ không làm ảnh hưởng đến cánh dù – nylon thì khá là ít bị thấm nước và hơi ẩm. Tuy nhiên nếu vòm dù để bị ẩm, nấm mốc có thể hình thành và làm cho nylon bị mục nát. Hãy làm khô cánh dù trước khi đem cất đi. Ngoài ra, vòm dù chứa nước và được kéo ra khỏi hồ nước hoặc mang đi có thể bị kéo giãn bởi sức nặng của nước. Chúng tôi sẽ cung cấp thêm thông tin về cách hạ cánh dưới nước trong Chương 10. Nước biển gây ra thêm nhiều vấn đề và cần chăm sóc đặc biệt, các vấn đề này sẽ được thảo luận trong Chương 11, trang 282.

Làm hỏng dù trong quá trình sử dụng

Khi mới bắt đầu, bạn không biết đâu là giới hạn sử dụng hoặc thế nào là quá mức. Chúng tôi muốn nhấn mạnh với bạn là cho dù cánh dù có chắc và khỏe tới mức nào đi nữa thì nó cũng có thể bị hư hại nếu bạn tập trung lực hoặc mài mòn tại một điểm. Dưới đây là những điều cần tránh:

Trước tiên, không bao giờ được dẫm lên bất kỳ phần nào của cánh dù – không chỉ vòm dù mà cả dây dù và đai ngồi. Một cục đá hoặc bề mặt cứng phía dưới chỗ dẫm lên có thể dễ dàng làm hỏng dù. Dây dù đặc biệt dễ bị hư hại theo cách đó. Nếu bạn cần đến gần vòm dù và bước qua dây dù, hãy mở lối đi bằng tay và bước cẩn thận giữa chúng.

Tương tự như vậy, bạn không bao giờ được ngồi lên cánh dù đã gấp gọn. Các móc khóa hoặc vật cứng có thể làm hư hỏng các thứ mềm. Nhiều phi công tựa vào cánh dù đã gấp trong khi đợi gió thay đổi, nhưng ngồi hẳn lên là thiếu khôn ngoan.

Kéo mạnh hoặc giật từng dây riêng lẻ thì có thể làm hỏng dây. Nếu dây bị vướng vào vật gì đó – một cái que hoặc bị vướng vào thiết bị nào đó của bạn – hãy kiên nhẫn và nhẹ nhàng gỡ những chỗ bị vướng, thậm chí ngay cả khi bạn phải ra khỏi đai ngồi để làm việc đó. Những que nhỏ thường có thể mắc vào dây dù. Giải pháp duy nhất là gỡ rối và quẳng que đi. Nếu bạn chỉ đơn thuần giũ hay lắc cho chúng tuột ra thì chúng có thể lại rơi vào và làm rối dây trở lại.

Gai và các que sắc nhọn là đặc biệt gây hại cho vòm dù. Hãy xem xét cẩn thận chỗ bạn định trải dù và tránh (hoặc nhặt vứt đi) các vật sắc nhọn. Động tác kéo mạnh mà bạn làm trong khi cất cánh có thể dễ làm rách vòm dù nếu nó nằm vướng vào vật sắc nhọn.

Cuối cùng, cần biết rằng việc để cánh dù đập xuống đất hay kéo lê trên mặt đất – thường là do kỹ thuật cất cánh yếu – sẽ làm dù bị hư hại. Cách cư xử như vậy có thể làm rách lớp nhựa tráng trên vải dù và tiếp theo đó là làm tăng độ thấm khí cũng như gây hư hại rõ ràng hơn với cánh dù. Tuy nhiên, bạn chỉ mới học bay và sẽ không thể hoàn toàn tránh được việc để vòm dù chạm đất, đôi khi rất mạnh. Cái giá của chương trình huấn luyện của bạn bao gồm cả hao mòn và hư hỏng thiết bị đã lường trước cũng như chi phí chuyên gia huấn luyện.

Hãy chăm sóc thật tốt những cánh dù huấn luyện mà bạn sử dụng hết mức có thể, bởi vì sẽ có lợi hơn khi bạn có được những thói quen đúng đắn trong tương lai gần khi đã có các thiết bị của riêng mình.

CÁC THIẾT BỊ KHÁC

Một trong những vẻ đẹp của dù lượn đó là nó không đòi hỏi nhiều thiết bị phụ trợ gì đặc biệt ngoài cánh dù và đai ngồi. Trong thực tế, với huấn luyện thì đúng là như vậy, có khác hơn là cần có mũ bảo hiểm, giầy và găng tay thích hợp. Ở đây chúng tôi bao gồm cả một vài thiết bị khác nữa sẽ được đề cập chi tiết sau này.

Mũ bảo hiểm

Một chiếc mũ bảo hiểm là cần thiết trong mọi hoạt động huấn luyện dù lượn của bạn, kể cả tập mặt đất. Khi bạn đang học kiểm soát vòm dù thì sự tập trung của bạn thường là vào cánh dù chứ không vào chỗ bạn bước chân. Một cái hụt chân và vấp ngã có thể làm bạn va đầu xuống đất trong một số trường hợp. Bên cạnh đó, một thói quen tốt là quen sử dụng mũ bảo hiểm ngay từ đầu để bạn cảm thấy thoải mái với những thay đổi dù chỉ là đôi chút của âm thanh và tầm nhìn ở thời điểm bạn sẵn sàng cho những chuyến bay đầu tiên.

Huấn luyện viên sẽ cung cấp mũ bảo hiểm trong quá trình huấn luyện. Sau đó bạn sẽ phải tự mua cho mình. Mũ bảo hiểm vỏ cứng tốt với lớp xốp lót bên trong là loại nên dùng. Lớp vỏ cứng giúp làm chệch hướng lực tác động và lớp xốp bên trong hấp thụ sốc. Lớp xốp phải dày ít nhất 2,5cm.

2-5h.jpg

Mũ trùm cả đầu

Một số phi công thích mũ bảo hiểm nửa đầu hở mặt (open-face) hơn, nhưng mũ trùm cả đầu (full-face) có lẽ bảo vệ tốt hơn. Phần phía trước của mũ trùm cả đầu có thể làm giảm khả năng cảm nhận gió trên mặt. Các khuy bấm và các phần lồi ra trên mũ bảo hiểm có xu hướng dễ bị vướng vào dây dù (đặc biệt là khi bạn xoay dây điều khiển qua đầu để chuẩn bị cất cánh ngược – xem Chương 4), tốt nhất là loại bỏ những chỗ lồi ra hoặc mua mũ bảo hiểm mà không có chúng.

Mũ bảo hiểm của môn hockey, xe đạp, leo núi hiếm khi cung cấp đủ sự bảo vệ cho việc bay lượn. Mũ xe máy thì có xu hướng quá nặng. Các mũ bảo hiểm làm riêng cho dù lượn là lý tưởng nhất. Bạn có thể tìm mua qua cơ sở huấn luyện hoặc các tạp chí dành cho môn thể thao dù lượn.

Giày và găng tay

Hầu hết các phi công dù lượn đều sử dụng giầy cao cổ được thiết kế đặc biệt cho môn thể thao này. Tính năng chính của nó là bảo vệ cổ chân, giống như giày trượt tuyết loại nhẹ. Rõ ràng là bạn không thể chạy bằng đôi giày này nhanh như khi đi đôi Nike, nhưng bạn vẫn có thể chạy đủ nhanh để cất cánh.

Hầu hết các huấn luyện viên không muốn thấy bạn mua giày chỉ để tham gia huấn luyện, nhưng nếu bạn đã có giầy leo núi có bảo vệ cổ chân thì có thể sử dụng chúng. Tuy nhiên bạn không nên dùng giầy có móc buộc dây hở, vì những móc này dễ dàng móc phải dây dù. Giày chạy bộ nhìn chung cũng dùng được cho những bài huấn luyện ban đầu, đặc biệt là trong tình huống huấn luyện được kiểm soát cẩn thận. Trong mọi trường hợp bạn nên hỏi HLV xem nên mua giầy loại nào. Bạn không muốn mang giầy thám hiểm nặng nề nhưng chắc cũng không muốn đi dép sandal đi tập dù.

Găng tay nên dùng ngay cả trong thời tiết ấm áp để ngăn bị trầy xước da tay gây bởi dây điều khiển trong khi cất cánh và tay cầm dây lái trong khi bay. Tất nhiên, bạn vẫn có thể bay nếu mà quên chúng, nhưng một đôi găng tay mỏng khi trời ấm và găng tay dầy khi trời lạnh thì rất nên có.

Các thiết bị hỗ trợ

Trong giai đoạn đầu bạn sẽ không cần sử dụng đến các thiết bị hỗ trợ. Thiết bị hỗ trợ của bạn lúc này chính là đôi mắt, đôi tai và cơ quan xúc giác. Nhưng ngay khi bạn bắt đầu bay cao, kể từ giai đoạn huấn luyện, thì huấn luyện viên có thể đưa bạn đeo các thiết bị này. Dưới đây chúng tôi giới thiệu ngắn gọn về những gì bạn có thể có trong quá trình huấn luyện.

Bộ đàm – Chúng ta sử dụng bộ đàm thường xuyên trong khi bay dù lượn. Huấn luyện viên hướng dẫn học viên và các nhóm phi công bay cùng với các phi công khác. Ở một số nước tần số bộ đàm là tự phát (HAM) hoặc các kênh thương mại (ví dụ như Anh và Mỹ). Ở những nơi khác là tần số dành cho hàng không hoặc các kênh quy định đặc biệt (ở Anh và Úc). Huấn luyện viên sẽ có bộ đàm để sử dụng khi cần thiết. Trước khi mua bộ đàm cho riêng mình bạn cần tìm hiểu dải tần số thích hợp cho khu vực bay của bạn. Nếu bạn chọn sai bộ đàm, thì cuối cùng nó có thể được dùng làm một cái chặn giấy hoặc để chặn cửa đắt tiền.

Máy đo tốc độ gió – Một máy đo tốc độ gió có thể làm đúng như tên gọi của nó: cho biết bạn bay trên không nhanh như nào. Dụng cụ này cũng có thể đo tốc độ gió trên mặt đất. Bạn giữ máy hướng về hướng gió và nó cho bạn biết gió thổi nhanh như thế nào. Hãy dùng máy đo gió thường xuyên nhất có thể để giúp bạn học cách đánh giá tốc độ gió chỉ bằng cách cảm nhận qua cơ thể mình và những tác động của nó lên môi trường xung quanh (như cây, bụi cây nhỏ và cỏ, …). Huấn luyện viên có thể treo máy đo gió lên đai ngồi của bạn để giúp bạn hiểu được tốc độ bay khi bắt đầu bay cao.

Máy đo độ cao – Máy đo độ cao là dụng cụ đo khí áp (áp suất khí quyển thấp hơn khi bạn lên cao hơn) và cho biết bạn cao bao nhiêu so với điểm đặt trước. Máy đo độ cao thường là dụng cụ đầu tiên mà phi công mới cần mua

2-5i.jpg

Các loại vario khác nhau thường dùng trong dù lượn

Vario – Vario cũng là một dụng cụ đo khí áp nhưng nó đó tốc độ thay đổi của áp suất và do đó có thể cho biết bạn leo lên hoặc tụt xuống nhanh hay chậm như thế nào. Các phi công dùng thiết bị này để có thể biết được là họ leo trong vùng nâng hoặc bị tụt xuống nhanh đến mức nào. Bạn không cần đến thiết bị này trong khi huấn luyện, nhưng ngay khi bắt đầu học bay cặp vách thì Vario là một thiết bị hỗ trợ có giá trị.

Lưu ý rằng hầu hết các Vario ngày nay tích hợp cả đo độ cao và thường có thêm cả đo tốc độ gió. Có nhiều mẫu để lựa chọn với nhiều tính năng đa dạng. Mua các thiết bị đã qua sử dụng thường là có chi phí rẻ hơn. Hãy tranh thủ lời khuyên của phi công tin cậy giàu kinh nghiệm trước khi đầu tư vào các món đồ như vậy.

TÓM TẮT

Chương này được viết ra nhằm mang lại cho bạn một chút gần hơn tới trải nghiệm đầu tiên của chuyện trôi bồng bềnh trên trời. Làm quen với thiết bị giúp bạn hiểu rõ hơn để giao tiếp với huấn luyện viên. Khi HLV hét lên “kéo dây điều khiển sau” bạn có thể tuân theo ngay lập tức một khi bạn biết là nó ở đâu.

Các điểm chính cần nhớ là tên gọi của vòm dù, mép trước, dây lái, dây điều khiển và đai ngồi. Đây là những thuật ngữ sẽ được liên tục nhắc đến trong quá trình huấn luyện. Ngoài ra, đừng quên những hướng dẫn về cách bảo quản cánh dù.

TỰ KIỂM TRA KIẾN THỨC (Đáp án có trong Phụ lục II)
1. Tên gọi của dây đai chạy từ carabiner đến dây dù là gì?
2. Chúng ta gọi mép ở phía trước của vòm dù là gì?
3. Dây dù ở gần sát phía sau được gọi là gì?
4. Kể tên ba nguồn gốc có khả năng gây hại cho cánh dù?

Bình luận

comments