Điểm sương, Khí áp và Xu thế áp suất

Điểm sương, Khí áp và Xu thế áp suất

Đặng Quốc Tuấn dịch

Do dù lượn là một môn thể thao phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết nên người chơi dù lượn cũng cần có những hiểu biết về các thuật ngữ thường được sử dụng trong khí tượng học.

Dưới đây là một số yếu tố thời tiết có ảnh hưởng lớn đến người chơi dù lượn:

1. Điểm sương (Dew point)
Điểm sương là nhiệt độ mà ở đó không khí bị lạnh đến mức trở nên bão hoà hơi nước (độ ẩm tương đối đạt 100%). Điểm sương là một số đo quan trọng để xác định sự hình thành của sương, tuyết hay mù. Nếu điểm sương và nhiệt độ hiện tại gần bằng nhau lúc chiều muộn khi không khí bắt đầu lạnh đi, sẽ có sương mù vào buổi đêm. Điểm sương cũng là một dấu hiệu tốt để xác định lượng hơi ẩm thực sự có trong không khí, không giống như độ ẩm tương đối. Điểm sương cao tức là không khí có chứa nhiều hơi ẩm, điểm sương thấp là không khí có ít hơi ẩm. Thêm nữa, điểm

sương cao cho biết nhiều khả năng sẽ có mưa hoặc đôi khi là bão. Bạn còn có thể dùng điểm sương để dự doán nhiệt độ thấp nhất vào buổi đêm. Nếu không có hình thái thời tiết nào quá đặc biệt, nhiệt độ tối thiểu vào buổi đêm sẽ không bao giờ thấp hơn điểm sương.

Vậy điểm sương sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến môn dù lượn? Như đã nói ở trên, nếu nhiệt độ hiện tại và điểm sương gần bằng nhau thì sẽ có hiện tượng sương mù (hoặc mây nếu ở trên cao). Và trong trường hợp, ta sẽ không thể bay được vì không xác định được phương hướng. Khi điểm sương thấp hơn nhiệt độ hiện tại, lúc đó sẽ không có sương mù nhưng ta sẽ phải lưu ý đến việc nhiệt độ giảm đi theo độ cao. Trung bình, cứ lên cao 100m thì nhiệt độ sẽ giảm đi 1°C. Như vậy, nếu nhiệt độ cao hơn điểm sương khoảng 5°C thì trần mây sẽ cao hơn chúng ta khoảng 500m. Từ đó, chúng ta sẽ tính được độ cao tối đa có thể bay lên mà vẫn đảm bảo được an toàn.

2. Khí áp (Barometric pressure)
Không khí tạo nên áp suất tác động lên bề mặt trái đất. Áp suất này được gọi là áp suất khí quyển. Thông thường, có càng nhiều không khí phía trên một khu vực, áp suất sẽ càng cao. Điều này có nghĩa là áp suất thay đổi theo độ cao. Ví dụ, áp suất không khí tại mặt biển cao hơn trên đỉnh núi. Để bù trừ cho sự khác biệt áp suất tại các độ cao khác nhau và để thuận tiện hơn cho việc so sánh giữa các khu vực có độ cao khác nhau, khí tượng học điều chỉnh áp suất khí quyển sao cho nó phản ánh áp suất có được nếu đo ở mực nước biển. Áp suất điều chỉnh này được gọi là khí áp.

Khí áp thay đổi cùng với điều kiện thời tiết tại khu vực, giúp cho nó trở thành công cụ dự báo thời tiết quan trọng và hữu hiệu. Khu vực khí áp cao thường có thời tiết đẹp trong khi khu vực khí áp thấp thường có thời tiết xấu. Đối với mục đích dự báo, khí áp tuyệt đối thường ít quan trọng hơn sự thay đổi trong khí áp. Thông thường, khí áp tăng là dấu hiệu cải thiện điều kiện thời tiết, trong khi khí áp giảm cho biết điều kiện thời tiết sắp xấu đi.

3. Xu thế áp suất (Pressure trend)
Xem xét chiều hướng thay đổi (tăng lên, giảm đi, ổn định) của khí áp trong 3 tiếng đồng hồ cuối cùng.

“Tăng nhanh”, khí áp tăng trên 2 mbar (0,06″).
“Tăng chậm”, khí áp tăng trên 1 mbar nhưng dưới 2 mbar (>0,02″ nhưng <0,06″).
“Ổn định”, khí áp thay đổi dưới 1 mbar (<0,02″).
“Giảm chậm”, khí áp giảm trên 1 mbar nhưng dưới 2 mbar (>0,02″ nhưng <0,06″).
“Giảm nhanh”, khí áp giảm trên 2 mbar (0,06″).

Bình luận

comments